Hoạt động của ngành

Cần Giờ: Tưng bừng lễ hội Nghinh Ông Thủy Tướng

Cập nhật: 15/08/2008 09:08:25
Số lần đọc: 2569
Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng Tám âm lịch, tại huyện Cần Giờ, lại diễn ra lễ hội Nghinh Ông. Ðây là một lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức nhằm tôn vinh “Ðức ngài Cá Ông”, còn gọi là Nam Hải Tướng Quân, thu hút đông đảo người dân đến dự hội.

Truyền thuyết “Nam Hải Tướng Quân”

 

Theo lời kể của vạn trưởng Ngô Văn Dị, miếu “Lăng Ông Thủy tướng” ở huyện Cần Giờ đã có từ lâu, khi Chúa Nguyễn vào Nam. Các đời chúa từ thế kỷ 17, 18, 19 đều phong thần cho miếu và có ban chỉ dụ cho các quan sở tại phải đời đời hương khói thờ phụng... Đó là theo sắc chỉ của triều đình, còn lưu truyền trong dân gian thì “Ðức Ngài Cá Ông” là một vị thần hộ mệnh cho thuyền bè trên biển. Ngư dân từ Bắc tới Nam đều thuộc nằm lòng câu chuyện khi đi biển gặp sóng to gió lớn, nếu cầu xin Ðức Ngài hiển linh thì Ðức Ngài sẽ hiện lên trong xác của một cá Ông khổng lồ hộ tống tàu bè cập bến an toàn. Chính vì sự lưu truyền đó mà cá Ông hay cá Voi là một linh vật hết sức linh thiêng đối với người đi biển. Mỗi khi cá Ông gặp nạn, xác trôi dạt vào bờ đều được những ngư dân tổ chức an táng thật trang trọng và thờ cúng thường xuyên. Đây là một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong giới ngư dân.

 

Hiện tại, trong miếu Nam Hải Tướng Quân ở Cần Giờ thờ cúng bộ cốt (xương) dài tới 12 mét của “Ðức Ngài Cá Ông” gặp nạn trôi dạt vào bờ từ năm 1971. Một điểm độc đáo của bộ cốt này theo vạn trưởng là nằm ở phần lưng của Ngài. Đối với cá voi, thường phần lưng nhô cao nhưng bộ cốt của Ngài thì khác, phần lưng lõm sâu bè bè như một chiếc ghe. Đây là một đặc điểm độc đáo chứng tỏ Ngài thường cứu vớt tàu thuyền. Bởi vì, chỉ có phần lưng như thế mới có thể nâng tàu thuyền và kéo đi. Không biết thực hư ra sao nhưng đối với hầu hết ngư dân thì Nam Hải Tướng Quân là có thật và là vị cứu tin đáng tin cậy giữa bao la trời, biển. Vậy là, hàng năm cứ đến rằm tháng Tám, nhân dân khắp huyện Cần Giờ lại tưng bừng tổ chức hội “Nghinh Ông Thủy tướng” với những phong tục truyền thống. Ngày chính của hội là 17 tháng Tám nhưng mọi công tác chuẩn bị được bắt đầu từ trước đó rất lâu. Trong khi khắp nơi tưng bừng tổ chức ngày tết Trung thu thì ở dọc theo vùng biển Cần Giờ lại trang hoàng rực rỡ cho lễ Nghinh Ông, cầu mong may mắn cho những ngư dân lênh đênh trên biển cả.

 

Độc đáo phần lễ hội

 

Là một tập tục dân gian lâu đời của ngư dân nhưng do Cần Giờ nằm “sát nách” Sài Gòn nên có rất nhiều người về tham dự. Ngày nay, lễ hội được giới thiệu rộng rãi cho du khách trong và ngoài nước biết đến như một nét văn hóa độc đáo của vùng đất này. Vì vậy, vào dịp lễ Nghinh Ông, huyện Cần Giờ đón tiếp một lượng lớn du khách và người dân quanh vùng về dự lễ.

 

Trước phần lễ rước bao giờ cũng là phần Nghinh Ông do các ghe, tàu thực hiện. Các chủ ghe tàu tham dự lễ hội đều tự ý trang hoàng rực rỡ cờ, phướn chào đón Ngài. Thông thường, khách tham dự hội có thể tùy ý thích lên ghe tàu để tham gia lễ Nghinh Ông. Trong đoàn gần 200 ghe lớn nhỏ sẽ có một tàu chính. Trên tàu chính là đám rước “Sắc phong Thần Ðức Ông Nam Hải” có những người mặc trang phục của binh sĩ thời vua Gia Long. Họ rước kiệu của Ðức Ngài xuống rồi dẫn đầu các ghe tàu khác chạy ra biển. Trong khoảng thời gian chạy ra biển, du khách đi theo ghe có thể cởi mở trò chuyện và sẽ được nghe kể về truyền thuyết Đức Ông của biển cả. Đoàn ghe “trống giong cờ mở” theo ghe chính rước kiệu Nghinh Ông rời bến Cần Giờ hướng ra biển qua hướng Vũng Tàu. Chạy một vòng ra biển, khấn vái xong thì đoàn thuyền quay trở về và chờ xem Ðám rước Ông (diễu hành).

 

Dân chúng đứng xem hai bên đường, hò reo cổ vũ khi xe rước Ông đi qua. Đám diễu hành với hai con rồng cao, dài, thật đẹp đi theo sau xe hộ tống; kế đến là các đoàn “tôm, cua, cá”, các đoàn rước đi trên nhưng chiếc cà-kheo lênh khênh... Nhiều nhà gần Lăng Ông đem hương án, gồm nhang đèn, trái cây, gà vịt quay... ra trước cửa nhà cúng lễ, tạo một không khi lễ hội thật trang nghiêm nhưng cũng không kém phần náo nhiệt.

 

Lễ Nghinh Ông là lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho quốc thái dân an. Đặc biệt các ngư dân cầu xin sự “phù hộ độ trì” trong những chuyến đi biển. Nếu người dân chài, đóng đáy nước ngọt thường thờ cúng “Bà Cậu” thì vùng biển lại có Đức Ông. Tất cả đều là niềm tin tích tụ từ ngàn đời nay và ăn sâu vào tâm trí của từng người dân. Đó là cả một nền văn hóa miền biển cần được giữ gìn và phát triển, giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước.

 

Đến với Cần Giờ, ngoài việc thưởng thức các loại hải sản tươi sống độc đáo, nếu đúng dịp, du khách còn được chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa cổ truyền độc đáo của ngư dân vùng biển.

Nguồn: Báo Du lịch

Cùng chuyên mục