Hoạt động của ngành

Nà Hang (Tuyên Quang) hướng tới các giá trị văn hoá dân tộc

Cập nhật: 12/08/2008 11:08:29
Số lần đọc: 2272
Hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh uỷ về phát triển du lịch, Huyện uỷ, UBND huyện Nà Hang đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với các cơ quan của tỉnh nghiên cứu, sưu tầm lập 9 hồ sơ khoa học về di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hoá và danh lam thắng cảnh.

Tiêu biểu là thác Pác Ban, quần thể danh thắng 99 ngọn núi thuộc xã Thượng Lâm, chùa Phúc Lâm, đền Pác Tạ... Hiện nay, những di tích, danh thắng này là một trong những điểm thu hút một lượng lớn du khách tham quan.

 

Bà Trần Thị Hiền (tổ 9 thị trấn Nà Hang) là một trong những người thường đến các đền, chùa cho biết, các đền, chùa Nà Hang vẫn giữ được vẻ nguyên sơ những giá trị rất riêng về tính thẩm mỹ và tính lịch sử. Vào những ngày đầu tháng và ngày rằm, số lượng khách đến rất đông thăm các chùa, đền. Thời gian tới đây, sau khi được trùng tu, tôn tạo, chắc chắn các điểm di tích trên trở thành những điểm du lịch tâm linh, thu hút ngày càng nhiều du khách thập phương.


Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc ngày càng được quan tâm, chú trọng. Các phong tục đẹp, tập quán tốt, các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống như sli, lượn, cọi, then, đàn tính... đang được nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn và phát huy. Hiện nay, toàn huyện đã xây dựng được 221 đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở, những đội viên văn nghệ đồng thời cũng là những người dân địa phương, họ vừa làm nhiệm vụ bảo tồn, vừa làm nhiệm vụ đưa những giá trị độc đáo đó đến với khách du lịch. Trong những dịp lễ hội, hội chợ tổ chức thường xuyên tại huyện trong vài năm trở lại đây, các hạt nhân văn nghệ này chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng du khách đến dự. Cùng với những giá trị văn hoá tinh thần, những giá trị văn hoá vật chất mang tính kế thừa hiện nay cũng được huyện đặc biệt coi trọng. Trong thời gian vừa qua, rất nhiều các chương trình nằm trong kế hoạch khôi phục, xây dựng các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm sợi... được thực hiện tại nhiều xã như Thượng Lâm, Thượng Nông, Khuôn Hà, Lăng Can...


Đặc biệt, cùng với việc phát hiện và khai quật 2 khu di chỉ khảo cổ học ở Túc Lương (xã Trùng Khánh cũ) và hang Phia Vài (xã Xuân Tân cũ), phát hiện và khai thác nhiều hiện vật quý, trong đó nhiều nhất là công cụ lao động làm bằng đá; phát hiện di tích 2 mộ táng, trong đó có một di tích mộ táng thuộc thời kỳ đồ đá có niên đại trên 10 nghìn năm và có cách khâm liệm độc đáo, lần đầu tiên tìm thấy ở Đông Nam Á.

Có thể thấy rằng, với một giá trị lịch sử lâu dài và bền vững, cùng với những chủ trương, chính sách đúng đắn, trong thời gian tới đây, ngành “công nghiệp không khói” sẽ là một trong những ngành chủ lực, góp phần không nhỏ vào việc thay đổi diện mạo đời sống kinh tế - xã hội ở Nà Hang.

Nguồn: website báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục