Du lịch xứ Đoài, vận hội mới
Cùng với đình, chùa, đền, miếu và lễ hội được tổ chức hàng năm, tổ chức làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Những địa danh du lịch nổi tiếng của xứ Đoài là chùa Hương "Nam thiên đệ nhất động"; chùa Thầy gắn liền với tên tuổi Thiền sư Từ Đạo Hạnh; chùa Bối Khê, chùa Trăm gian gắn liền với anh hùng dân tộc Nguyễn Binh An; chùa Mía - ngôi chùa có nhiều tượng Phật nhất ở Việt Nam với 287 pho tượng; chùa Đậu có hai pho tượng lưu giữ thi hài của hai Thiền sư… Các địa danh nêu trên là một bộ phận của di sản văn hóa gắn liền với những truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian và là những công trình minh chứng cho trình độ nghệ thuật, kiến trúc của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân xứ Đoài nói riêng. Gắn liền với các di tích là lịch sử phát triển của dân tộc qua đấu tranh dựng nước và giữ nước như vùng núi cao Ba Vì với huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh nay là rừng Quốc gia Ba Vì, dưới chân núi có nhiều cảnh đẹp, đã được cơ quan chức năng xây dựng các điểm du lịch: Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Tiên, Thác Mơ, Suối Hai, Đồng Mô… với phong cảnh đẹp, hệ động thực vật phong phú, khí hậu trong lành. Từ nhiều năm nay, đây là điểm hấp dẫn đối với du khách thập phương. Được xác định là một trong 6 vùng trọng điểm du lịch của xứ Đoài - Hà Tây (cùng với chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Đậu, đền Hữu Vinh), di tích làng cổ Đường Lâm- mảnh đất hai vua đã và đang thu hút sự chú ý của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Ẩn chứa trong không gian, cảnh quan của 5 ngôi làng cổ, dưới những mái nhà phủ bóng rêu phong trầm mặc, những con đường lát gạch đỏ nghiêng cùng những bức tường đá ong, 16 di tích lịch sử văn hóa, 36 gò đồi, 18 rộc sâu, gần 50 ao hồ, vũng, chuôm cùng cảnh quan thiên nhiên môi trường khác.
Bên cạnh những điểm du lịch như trên, xứ Đoài còn là vùng đất trăm nghề. Hiện nay, toàn vùng có 120 làng nghề (chiếm 10% tổng số làng nghề của toàn quốc) với những sản phẩm đặc sắc và được nhiều người ưa chuộng như lụa Vạn Phúc, nón Chuông, quạt Vác, khảm trai Chuyên Mỹ, hàng mây tre Phú Vinh, đồ mộc Tràng Sơn, tượng gỗ Sơn Đồng… Các làng nghề truyền thống của xứ Đoài không chỉ là một đơn vị sản xuất mà còn là một cộng đồng văn hóa với đình, chùa, miếu, lễ hội truyền thống. Đến đây, du khách không chỉ được xem các nghệ nhân làm nghề, mua sản phẩm mà còn có thể trực tiếp tham dự các hoạt động xã hội.
Tiềm năng rất lớn, thế nhưng những năm trước đây do điều kiện kinh tế- xã hội còn gặp nhiều khó khăn nên ngành "công nghiệp không khói" của xứ Đoài chưa thể cất cánh trở thành lĩnh vực mũi nhọn của địa phương. Việc sáp nhập vào với Hà Nội là thời cơ thuận lợi, mở ra một triển vọng mới cho ngành “công nghiệp không khói” của xứ Đoài phát triển. Tin rằng, nếu được đầu tư đúng mức về mọi mặt, du lịch xứ Đoài sẽ phát triển mạnh, góp phần làm cho Thủ đô mới trở thành một điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.