Hoạt động của ngành

Hòa Bình: Một số vấn đề về quy hoạch và thực tế phát triển du lịch ở Đà Bắc

Cập nhật: 31/07/2008 09:07:53
Số lần đọc: 2429
Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hòa Bình, cách thủ đô Hà Nội mới khoảng 50 km, với cảnh quan thiên nhiên trữ tình, hùng vĩ và bản sắc văn hoá các dân tộc Tày, Dao, Mường… độc đáo, huyện Đà Bắc có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Huyện đã phối hợp xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thời kỳ 2006 – 2020.  

Với độ cao trung bình so với mặt nước biển là 560 m, diện tích rừng chiếm gần 37% diện tích đất tự nhiên, Đà Bắc có khí hậu trong lành, mát mẻ. Trong đó, khu bảo tồn rừng Pu Canh, diện tích trên 500 ha, với thiên nhiên hoang sơ của cánh rừng đại ngàn ẩn chứa bao điều kỳ thú và độc đáo. Nơi đây có đỉnh núi cao nhất Hoà Bình 1.373 m. Chinh phục được đỉnh núi, du khách sẽ ngỡ ngàng trước phong cảnh sơn thuỷ hữu tình của toàn bộ thượng lưu hồ sông Đà thuộc tỉnh Hoà Bình. Tại đây, du khách có thể tham gia các tuyến du lịch đi bộ, du lịch mạo hiểm, nghiên cứu khoa học… chiêm ngưỡng thác Tà Khớp luôn tung bọt trắng xoá. Tài nguyên du lịch tự nhiên của Đà Bắc còn phong phú, hấp dẫn với suối Láo, hang Mưa, hang xóm Sưng tại xã Cao Sơn; rừng, núi Biều, hang Lỗ Làn, vịnh Hiền Lương tại xã Hiền Lương…

 

Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch nhân văn với những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể độc đáo là tiềm năng du lịch lớn. Đền Bờ trái thuộc xã Vầy Nưa đã được du khách muôn phương biết đến là điểm du lịch văn hoá tín ngưỡng có truyền thống. Bản, làng dân tộc Dao, Tày, Mường tại các bản Sưng, Thùng Lùng, Nhạp, Lăm, Thượng thuộc các xã cao Sơn, Tân Pheo, Đồng Chum, Đoàn Kết, Đồng Ruộng còn lưu giữ những nét văn hoá đặc trưng của từng dân tộc. Du khách có thể khám phá, tìm hiểu các phong tục, tín ngưỡng, trang phục, ẩm thực, lễ hội… của đồng bào. Họ là những người sống chan hoà, mến khách và gần gũi với thiên nhiên.

             

Dựa trên những tài nguyên sẵn có, huyện đã phối hợp với Công ty CP Xây dựng và Đầu tư khu du lịch sinh thái Cavico xây dựng quy hoạch tổng thể du lịch huyện giai đoạn 2006 – 2020. Qua đó, đánh giá tài nguyên, hiện trạng du lịch của huyện và đưa ra quy hoạch, các giải pháp thực hiện.

 

Hiện nay, ngành du lịch và dịch vụ của huyện chưa phát triển. Khách đến Đà Bắc chủ yếu là công vụ, lượng khách ước khoảng 3000 lượt người/năm. Các cơ sở lưu trú, vui chơi, giải trí, hội nghị còn thiếu. Cơ sở vật chất như điện, đường, nước, thông tin liên lạc; số lượng, chất lượng lao động du lịch còn kém; sản phẩm du lịch nghèo nàn. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế. Các dự án đầu tư trên địa bàn còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu hệ thống và không gắn liền với quy hoạch phát triển ngành du lịch. Hiện chỉ có các tour du lịch nhỏ lẻ đến Đà Bắc thông qua các tổ chức du lịch ngoài huyện.

 

Trước tiềm năng và hiện trạng đó, công tác quy hoạch đã đưa ra những quan điểm, định hướng phát triển du lịch theo không gian, lãnh thổ với 5 cụm du lịch; các tuyến với các loại hình du lịch gắn với thiên nhiên, văn hoá. Vấn đề đầu tư, tôn tạo tài nguyên du lịch, cải thiện kết cấu hạ tầng; đổi mới và đa dạng hoá sản phẩm du lịch; sự phối hợp đồng bộ, hợp lý các dự án chính sách có trọng điểm để có một sức mạnh tổng hợp làm du lịch đã được đề cập đến. Một số dự án ưu tiên đầu tư du lịch cũng đã được đưa ra. Dự  kiến, giai đoạn 2006 – 2010, toàn huyện đón 7, 35 ngàn lượt khách/năm và lên đến 20, 16 ngàn lượt khách/năm vào giai đoạn 2011 – 2015.

 

Đầu năm 2007, Công ty CP Du lịch Hoà Bình mở tour du lịch đi bộ 4 ngày 3 đêm tuyến TP.Hoà Bình – Pu Canh – vùng hồ Hoà Bình qua các bản dân tộc Mường, Tày, Dao. Công tác tôn tạo, công nhận Đền Bờ là di tích lịch sử đã được xúc tiến. Tuy nhiên, thực tế phát triển du lịch ở Đà Bắc còn xa so với quy hoạch, mặc dù có hồ Hoà Bình nằm trong điểm du lịch Quốc gia. Việc tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh du lịch ở huyện hiện vẫn mang tính chất đơn lẻ và dường như chưa hoạt động. Bà Nguyễn Thị Đinh, Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Do vừa sát nhập bộ phận du lịch về nên công tác quản lý du lịch chưa thực sự được chú ý.

 

Du lịch được huyện Đà Bắc xác định là ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói, giảm nghèo. Tuy vậy tiềm năng này vẫn chưa thực sự được khai thác theo như quy hoạch.

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục