Ðánh thức tiềm năng du lịch Con Cuông, Nghệ An
Từ những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật hang Thẳm Ồm (Hang Ốc), để từ đó có kết luận hơn một vạn năm trước, người nguyên thủy đã sống ở đây. Con Cuông là mảnh đất trù phú, thị trấn Con Cuông có mặt bằng rộng và đẹp nhất trong các huyện của tỉnh Nghệ An. Thị trấn có sông Lam chảy qua, có quốc lộ 7A, có núi và rừng nằm trong vùng đệm vườn quốc gia Pù Mát. Ðây là điểm dừng chân của du khách trong tuyến Vinh - Kỳ Sơn hay tuyến Hà Nội đi Cửa Khẩu Nậm Cắn.
Trong tổng diện tích của toàn huyện đã có 128.000 ha rừng nằm trong vườn quốc gia Pù Mát và khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Ðây là thảm động thực vật lớn nhất châu Á, với hơn 1.200 loài thực vật quý hiếm, hàng trăm loài động vật rừng, trong đó các con vật như: sao la, hổ vằn, voi, mang lớn Trường Sơn, sói đuôi đỏ... là những động vật quý nằm trong sách đỏ thế giới, hàng trăm loài cá, loài dơi, loài bướm đẹp. Trong rừng nguyên sinh còn có nhiều thác nước đẹp như thác Kèm, suối nước Mọc và nhiều hang động kỳ thú: hang Thẳm Ồm, Thẳm nàng Màn, hang ông Trạng, bia Ma Nhai, động Ðào Nguyên, nơi có thành cổ Trà Lân lịch sử... cuốn hút du khách.
Hệ thống sông suối Con Cuông với hơn 20.000 ha diện tích mặt nước, tạo nguồn thủy sản phong phú trong đó nổi tiếng là cá mát sông Giăng, cá Lăng sông Cả, cá Lệch Con Cuông là đặc sản ngon có tiếng vùng Ðông Dương. Từ vị trí địa lý và sơn thủy hữu tình nói trên đã tạo cho Con Cuông một thế mạnh du lịch sinh thái và nguồn tài nguyên lớn, phong phú. Về trữ lượng gỗ, rừng Con Cuông có lượng lớn với hàng trăm triệu mét khối, nhiều loại gỗ quý như: lim, dổi, trắc, sến, táu, đinh hương, pơ-mu... Hệ thống sông, suối như sông Lam, sông Giăng, khe Choang, khe Thơi... nguồn xây dựng nhà máy thủy điện cho đất nước nay mai.
Trong lòng đất Con Cuông có vàng sa khoáng, có mỏ quặng chì, than ở Ðôn Phục, Chi Khê. Sườn đông dãy Trường Sơn với những dãy núi đá hàng tỷ tỷ mét khối, một nguồn nguyên liệu phong phú để sản xuất xi-măng và vật liệu xây dựng. Con Cuông có bảy dân tộc anh em chung sống hòa thuận.
Sự quần tụ các dân tộc anh em, tạo nên bức tranh văn hóa đặc trưng, mang đậm bản sắc truyền thống của các dân tộc bản địa như Thái, Ðan Lai, Khơ Mú... và nét văn hóa rượu cần đặc sắc "chưa say là chưa vui" với điệu múa lăm vông nhẹ nhàng uyển chuyển của các cô thôn nữ vùng cao. Tất cả những vốn quý trên đang dần trở thành hiện thực, nguồn tài nguyên vô giá, điều kiện quan trọng, để xây dựng Con Cuông thành trung tâm kinh tế - văn hóa của miền tây nam xứ Nghệ.
Tiềm năng nêu trên là thế mạnh để du lịch Con Cuông có thể xây dựng nên nhiều loại hình du lịch sinh thái-văn hóa như: tua du lịch khu vườn bộ - Trung Chính - Thác Kèm; tour thị trấn Con Cuông - Pha Lài; tour du lịch mạo hiểm Khe Choang - đỉnh Pù Mát; thăm tộc người Ðan Lai, thăm làng nghề dệt thổ cẩm Yên Thành... Gần đây trong bản đồ quy hoạch, tỉnh đã có thông báo xây dựng Con Cuông thành thị xã du lịch, kèm theo công bố quy hoạch khu du lịch Thác Kèm; Pha Lài và đang kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đến đầu tư xây dựng.
Khi đánh giá về thành tích trong hơn 20 năm đổi mới, Con Cuông được công nhận có thành tựu nổi bật là giữ được rừng xanh tốt, độ che phủ rừng đạt 76,5%. Với hơn 3.000 ha đất bằng sản xuất nông nghiệp, Con Cuông đã đưa giống mới và đầu tư chăm bón tốt, để tự cân đối lương thực tại địa bàn, tỷ lệ hộ đói, nghèo hằng năm nay giảm mạnh.
Nhưng để mở ra hướng khai thác tiềm năng du lịch sinh thái từ yếu tố nội lực của một huyện nghèo, một năm nguồn thu ngân sách trên dưới năm tỷ đồng thì quả là một khó khăn to lớn.
Du lịch sinh thái vườn quốc gia Pù Mát; du lịch Thác Kèm và nhiều danh lam, thắng cảnh cùng du lịch văn hóa truyền thống... tạo nguồn thu bền vững đang rất cần vốn, công nghệ và cả nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Con Cuông với tiềm năng dồi dào, nhưng muốn đánh thức tiềm năng đó rất cần sự đầu tư của Nhà nước, khi mà mục tiêu thoát nghèo vào năm 2010 đã cận kề.