Hoạt động của ngành

Quảng Nam: Hỗ trợ phát triển sản phẩm thủ công dấu ấn tại điểm di sản thế giới

Cập nhật: 05/07/2012 10:19:00
Số lần đọc: 2270
Văn phòng UNESCO Hà Nội vừa phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo khởi động dự án “Hỗ trợ phát triển sản phẩm thủ công dấu ấn tại điểm di sản thế giới” với sự tham gia của các cơ quan quản lý trong lĩnh vực văn hóa, du lịch và ngành nghề thủ công, các cơ sở làng nghề, thợ thủ công và nghệ nhân.

Tại hội thảo này, các bên liên quan cùng thảo luận và thống nhất với UNESCO về các hoạt động chính của dự án, cách thức phối hợp để vừa hỗ trợ phát triển sản phẩm thủ công, vừa cam kết gây dựng mạng lưới đầu ra cho sản phẩm tại chỗ gắn liền với du lịch di sản. Hội thảo đã giới thiệu các kế hoạch hoạt động của dự án và lộ trình thời gian thực hiện từ 2012-2013; trình bày một số kết quả khảo sát ban đầu và hướng phát triển sản phẩm; giới thiệu quy trình phát triển sản phẩm (khảo sát - thiết kế - sản phẩm mẫu - hướng dẫn kỹ thuật - sản xuất - đóng gói - thông tin sản phẩm). Đồng thời, giới thiệu nhóm sản phẩm thủ công dự kiến lựa chọn tại 5 làng nghề (Kim Bồng, Thanh Hà, đất nung Lê Đức Hạ, Duy Quá, lồng đèn) để phát triển thành sản phẩm dấu ấn và sản phẩm xuất khẩu, ý tưởng, hình dung về các sản phẩm dấu ấn và định hướng sơ bộ về mạng lưới đầu ra cho sản phẩm tại các điểm di sản Hội An, Mỹ Sơn.

Được biết, dự án có tổng kinh phí khoảng 100.000 USD do Quỹ Tín thác Hàn Quốc tài trợ từ tháng 2/2012 thông qua văn phòng UNESCO Hà Nội, với sự hỗ trợ chuyên ngành đào tạo thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công của tổ chức Craft Link. Dự án sẽ triển khai thực hiện trong 24 tháng với 4 cấu phần chủ yếu, đó là: Nghiên cứu và tổng hợp dữ liệu; Phát triển sản phẩm; Quảng bá tiếp thị; Tổng hợp các bài học kinh nghiệm.

Ngoài hai hợp phần phát triển sản phẩm và tạo mạng lưới đầu ra, dự án cũng nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý thiết lập cơ sở dữ liệu về nghề thủ công trên địa bàn tỉnh, trước hết tập trung vào Hội An, Duy Xuyên và Điện Bàn. Đồng thời, với sự phối hợp và liên kết giữa các cơ quan quản lý của tỉnh với UNESCO và ILO, dự kiến việc nghiên cứu thị trường và lập hồ sơ du khách cũng sẽ được lồng ghép vào chương trình khảo sát ý kiến du khách thường xuyên của Sở VHTTDL, nhằm đưa ra những định hướng, khuyến nghị hữu ích về thị trường cho phía các cơ sở sản xuất.

Cùng với quá trình triển khai dự án, chương trình sản phẩm thủ công tuyệt hảo của UNESCO sẽ được giới thiệu cho các nghệ nhân và thợ thủ công nhằm giúp họ có thể đưa ra được các chuẩn mực sản phẩm. Dự án hướng tới việc hỗ trợ các làng nghề tiêu biểu ở Quảng Nam định hướng lại sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa. Mục tiêu chính của dự án này là hỗ trợ các hoạt động tạo thu nhập cho cộng đồng địa phương xung quanh các điểm di sản thế giới, thông qua việc tăng cường mối gắn kết giữa sản xuất các sản phẩm thủ công và du lịch.

Đối tác hỗ trợ về kỹ thuật phát triển sản phẩm thủ công trong dự án này là Craft Link, một tổ chức phi lợi nhuận đối tác nhiều kinh nghiệm hỗ trợ các nhóm dân tộc vùng cao trong việc phát triển và tiếp thị sản phẩm thủ công. Đặc biệt, ngay từ giai đoạn khởi động của dự án, nhiều doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam như khách sạn Victoria, khách sạn Hội An, công ty thời trang Yaly, công ty CTC, công ty du lịch Vĩnh Hưng đã bày tỏ cam kết cao trong việc hỗ trợ mạng lưới đầu ra tại địa phương cho các sản phẩm thủ công được phát triển trong dự án. Bên cạnh đó, một số cửa hàng sản phẩm lưu niệm và thủ công tại Hội An cũng sẵn sàng tham gia và hỗ trợ sáng kiến này.

Quảng Nam được chọn để triển khai dự án vì tỉnh này sở hữu hai di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn và có nhiều làng nghề truyền thống nằm ngay các vùng phụ cận di sản. Trong khi đó, du lịch Quảng Nam đã và đang phát triển ổn định, mở ra một thị trường khá rộng rãi cho các sản phẩm thủ công trở thành những sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ một dự án khác cũng do UNESCO đã và đang hỗ trợ Sở VHTTDL Quảng Nam thực hiện là “Lồng ghép văn hóa và du lịch nhằm phát triển bền vững” thì lĩnh vực sản phẩm thủ công cũng được xác định có vai trò quan trọng. Dự án này sẽ gắn kết và bổ sung cho các hoạt động đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

Được biết, trong những năm 2008-2010, với nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc, Văn phòng UNESCO Hà Nội đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát triển một Khung chính sách hỗ trợ các làng nghề với mục tiêu hỗ trợ các cộng đồng địa phương cải thiện thu nhập, thúc đẩy du lịch, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Dự án “Hỗ trợ sản phẩm thủ công dấu ấn của di sản thế giới” được xây dựng nhằm đưa Khung chính sách này vào thực hiện, đồng thời phát triển những sản phẩm thủ công có tính đặc thù cho địa phương.

Liên quan tới dự án này, một nhóm các giáo sư, nhà nghiên cứu và sinh viên thiết kế của trường Đại học Quốc gia Hàn Quốc đang thực hiện đề tài thiết kế, phát triển sản phẩm dấu ấn chất lượng cao gắn với di sản văn hóa Hội An. Nhóm nghiên cứu này thông qua tổ chức Môi trường sống Liên Hợp Quốc và UNESCO, cam kết đóng góp và làm phong phú thêm các thiết kế, mẫu mã sản phẩm thủ công dấu ấn, đồng thời lập kế hoạch giới thiệu rộng rãi các kết quả của dự án tại các Triển lãm về hàng thủ công chất lượng cao tại Seoul, Hàn Quốc vào tháng 11 hằng năm./.

Nguồn: website báo Văn Hóa

Cùng chuyên mục