Các món ăn đặc sản núi rừng Tây Nguyên
Cà đắng là một loại cà dại mọc nhiều trên rừng, trên nương rẫy, hiện nay đã được bà con trồng trong vườn nhà, ra quả quanh năm, trái cà dài, to hơn cà pháo của người Kinh, màu xanh. Loại cà này có thể ăn sống nên trở thành món ăn khá hấp dẫn với những ai thích vị đắng. Bạn hãy thử cắn một miếng để nghe vị đắng tứa vào chân răng và cảm nhận cái nghe vị giòn ngọt ùa đến ngay sau đó. Cà đắng có mặt trong nhiều món ăn trong bữa cơm người dân tộc như cà đắng nấu với cá khô, cá hấp hoặc tôm tép khô, cà đắng nấu ốc v..v... Nếu mạnh miệng qua được đũa đầu tiên của những món cà đắng, bạn sẽ “nghe” được vị ngọt đằm thắm hòa với vị ngọt, vị mặn của cá khô, của tôm tép và vị cay xé lưỡi tạo nên một khẩu vị rất lạ, rất riêng của núi rừng.
Trong những miếng ngon của rừng, măng chua cũng là một món ăn khoái khẩu của đồng bào dân tộc. Măng tươi giã dập với ớt rồi đem ủ trong chộ sành, khoảng hai tuần sau, măng chua đến độ vừa dùng. Miếng măng giòn tan, cả nước lẫn cái đều có vị chua, cay, đắng, ngọt. Măng chua nấu với cá trê, măng chua nấu gà khiến bạn ăn quên no...
Trong các món đặc sản của núi rừng, nhiều du khách rất thích món cá lăng nướng than hồng. Người dân ở đây thường bọc cá lăng trong một loại lá rừng rồi mới đem nướng. Cá lăng được đánh bắt từ dòng sông Sêrêpôk, thịt cá không chỉ ngọt mà còn dai và thơm phức. Thêm một ống cơm lam, một đĩa gà nướng là bữa ăn của bạn đã mang đậm “chất” đại ngàn.
Muốn khám phá thêm hương vị lạ, bạn có thể gọi món cá chua. Cá chua được làm từ cá niệng, một loại cá giống cá trôi, có nhiều ở vùng sông suối Tây Nguyên. Miếng cá chua có vị ngon tổng hợp của muối, vị cay của ớt rừng, vị ngọt của bột ngọt, vị thơm của thính ngô và vị chua của gia vị, nguyên liệu lên men.
Đặc biệt, trong các quán ẩm thực của Đắk Nông đều có món trà gừng nóng ấm. Trà gừng không khác hơn các loại có bán trên thị trường là mấy, nhưng du khách phương xa lại rất thích các nguyên liệu kèm theo như cam thảo, nho khô, táo tàu hay miếng đường phèn ngọt giọng...