Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) – Vùng đất giàu tiềm năng du lịch
“Gạo thơm ngon dẻo tiếng đồn bao phen
Xuồng lên chợ lớn bạn quen
Tiếng thơm ba thắc ngợi khen Nam Kỳ”
Mỹ Xuyên là một huyện đồng bằng nằm ở phía Nam của tỉnh Sóc Trăng, với diện tích tự nhiên 370,95 km2 và có 150.003 dân (2009) gồm ba dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa cùng sinh sống. Với vị trí nằm tiếp giáp với thành phố Sóc Trăng, lại có tuyến đường Quốc lộ 1A chạy qua với tổng chiều dài khoảng 26,5 km và hệ thống sông ngòi chằng chịt như sông Dù Tho, Nhu Gia, Cổ Cò,….là các yếu tố quan trọng tạo cho Mỹ Xuyên các lợi thế để phát triển đặc biệt trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa với các địa phương lân cận. Thêm vào đó, địa hình vùng huyện Mỹ Xuyên; tương đối bằng phẳng, thấp dần ở phía Bắc thuộc các xã Thạnh Quới, Thạnh Phú, Đại Tâm,… Với địa hình này, Mỹ Xuyên rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp với cây trồng chính là lúa, nuôi trồng thủy sản, mô hình trồng nấm mèo, dưa hấu,….tạo điều kiện cho người dân trong huyện tăng gia sản xuất nâng cao thu nhập cải thiện chất lượng cuộc sống.
Ngoài lợi thế phát triển về kinh tế từ các nông sản, thủy sản mang lại, huyện còn có tiềm năng và thế mạnh trong việc phát triển tuyến tour du lịch của tỉnh. Về thị trấn Mỹ Xuyên, tham quan nhiều ngôi chùa nổi tiếng của cả ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Nơi đây có ngôi chùa của người Việt xây dựng năm 1886 gọi là chùa Phước Lâm cổ tự; tiếp đến là chùa Luông Bassac Bãi Xàu của người Khmer được xây dựng 1892, là nơi tu hành học tập và thờ cúng đáp ứng nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của Khmer trong thời kỳ khai hoang lập phum sóc. Mang nét thân quen theo lối kiến trúc đình miếu nổi bật với gam màu đỏ với nhiều dòng chữ Hán là Chùa Thiên Hậu Quảng Châu và chùa Thiên Hậu Triều Châu, chùa Ông Bổn, chùa Xén Cón tạo nên sự đa dạng về nét văn hóa của người Hoa trên vùng đất Bãi Xàu xưa. Chùa Ba Thắc ngôi chùa trùng tên gọi của một cửa sông đã mất trong 9 cửa sông Mê Kông.… Những quần thể kiến trúc này ra đời từ khoảng thế kỷ XIX, đã tạo sự hấp dẫn cho du khách trên tuyến đường tìm về với thương cảng Bãi Xàu ngày nào.
Huyện còn có một ngôi chùa khá nổi tiếng nằm trên tuyến quốc lộ 1A hướng về Bạc Liêu, Chùa Sro Lon hay còn gọi với cái tên dân gian chùa Chén Kiểu. Đây là ngôi chùa của người Khmer mang đậm nét nghệ thuật điêu khắc cách tân với nguyên liệu trang trí chủ yếu bằng các loại chén, dĩa kiểu. Trong chùa, còn lưu giữ bộ cổ vật của Công tử Bạc Liêu với bộ trường kỷ, tủ cẩm và giường ngủ mùa đông và mùa hè. Hiện nay, chùa Chén Kiểu đã được họp hội đồng thẩm định đang trình Hội đồng Khoa học UBND tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh trong năm 2012, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và đầu tư phát triển thành điểm đến ngày càng hấp dẫn của du khách gần xa.
Bên cạnh những nét kiến trúc đặc sắc của các ngôi chùa, Mỹ Xuyên còn là vùng đất anh hùng trong thời chiến tranh với căn cứ địa cách mạng tập trung ở xã Hòa Tú và Gia Hòa, nơi lưu giữ truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đình Hòa Tú tọa lạc tại xã Hòa Tú là dấu tích hào hùng của một thời khởi nghĩa tháng 11/1940 của người dân nơi đây với nhân dân các tỉnh Nam Kỳ xưa. Với ý nghĩa đó, Đình Hòa Tú đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 16/6/1992, là một trong những điểm đến có giá trị to lớn trong việc giáo dục lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Ngoài ra, huyện còn có một số di tích cấp tỉnh như di tích lịch sử thành lập Tiểu đoàn Phú Lợi tọa lạc ấp Hòa Trung, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng; Đình Thần Mỹ Xuyên tại ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh,…
Tỉnh Sóc Trăng, được xem là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống nên có nhiều văn hóa lễ hội đặc trưng của người Khmer thu hút khá đông du khách về tham dự, kể cả nước ngoài. Một trong những lễ hội mang tầm quốc gia đó là lễ hội Ooc - om - boc - Đua ghe Ngo diễn ra vào ngày rằm tháng 10 (âl) hàng năm. Ngày xưa, lễ Ooc-om-boc được tổ chức đầu tiên tại Vàm Dù thuộc xã Tham Đôn - huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng ngày nay), do có vị trí thuận lợi nên thu hút sự tham gia của các đội ghe Ngo đến từ các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang...... người xem đông đúc với những chiếc ghe “Cà hâu” (tức ghe bầu) và ghe “Cà chai” (tức ghe tam bản) đậu dọc cả hai bên bờ sông. Đến thời Pháp, địa điểm đua được di dời từ Vàm Dù Tho về sông Nhu Gia xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên bây giờ. Đến thời kỳ Mỹ Ngụy, điểm đua ghe Ngo lại được dời từ Nhu Gia về đua ở Kinh Xáng – Thị xã Sóc Trăng (nay là dòng sông Maspéro, thành phố Sóc Trăng). Sau ngày giải phóng, điểm đua ghe Ngo được tổ chức trở lại ở sông Nhu Gia. Và bây giờ hàng năm, hội đua ghe Ngo của tỉnh Sóc Trăng được tổ chức trên dòng sông Maspéro. Để đáp ứng về cơ sở vật chất và tôn vinh thêm tầm quan trọng của lễ hội Ooc - om - boc - đua ghe Ngo, tỉnh đầu tư xây dựng đường đua và khán đài đua ghe Ngo phục vụ cho du khách với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng (hoàn thành năm 2009), gồm khán đài có sức chứa khoảng 4.000 chỗ ngồi và sân khấu biểu diễn văn nghệ và đường đua dọc theo bờ kè 2 bên đoạn gần khán đài. Đặc biệt, nhằm thiết thực chào mừng sự kiện Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ II tổ chức tại Sóc Trăng, tỉnh xây dựng thêm bờ kè sông Maspéro với tổng vốn trên 580 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tổng chiều dài công trình trên 11km, bao gồm hệ thống kè, thoát nước, cây xanh, các bến đò,…tạo điều kiện thuận lợi cho du khách xem hội đua ghe Ngo dọc 2 bên bờ kênh này.
Ngoài ra, huyện còn nơi xuất xứ của nhiều đặc sản ẩm thực nổi tiếng đã trở thành thương hiệu gần xa như bún nước lèo quán 189, bún gỏi dà Ngọc Nữ, bò nướng ngói chợ Mỹ Xuyên, bánh cóng Đại Tâm,…..và đặc sản mua về làm quà cho người thân như bánh phồng tôm Bãi Xàu, bánh tráng Bà Lèo Mỹ Xuyên, mắm tép chợ Nhu Gia,….
Với những tiềm năng trên, Mỹ Xuyên có thể hình thành nhiều tuyến tour du lịch mới và đặc sắc như tìm về với thương cảng quốc tế ngày nào, tham quan vùng đất kết tinh văn hóa tâm linh của những ngôi chùa của ba dân tộc tại ấp chợ Cũ, tham quan ngôi chùa Chén Kiểu gắn với tuyến du lịch sông nước về với dòng sông nơi diễn ra hội đua ghe Ngo đầu tiên, ôn lại lịch sử hào hùng của một thời tổng khởi nghĩa chung của Nam Kỳ tại cụm di tích lịch sử Đình Hòa Tú và nơi thành lập Tiểu Đoàn Phú Lợi, cũng như hành trình về thưởng thức các đặc sản ẩm thực của Mỹ Xuyên.......
Với sự kết hợp khéo léo giữa sự ưu đãi của tự nhiên và sự cần cù lao động sản xuất của ba dân tộc anh em đã tạo cho Mỹ Xuyên trở thành một vùng đất trù phú, cảnh quan đa dạng, nhiều di sản văn hóa tinh thần mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trở thành cầu nối của thế hệ hôm nay tìm về với cội nguồn quá khứ./.