Tân Trào - Nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại
Từ ngày 13 đến 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 16, 17/8/1945, Quốc dân Đại hội họp tại đình Tân Trào quyết định toàn dân đứng lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền, bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc - Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh. Tân Trào đóng vai trò hết sức to lớn vào thành công của cách mạng tháng Tám, là trung tâm chỉ đạo Tổng khởi nghĩa và giành chính quyền trong toàn quốc.
Tháng 12/1946, chỉ hơn một năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Trước hành động xâm lược trắng trợn của thực dân Pháp, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt chủ trương kiên trì đàm phán, một mặt chỉ thị khẩn trương xây dựng An toàn khu. Một lần nữa Trung ương Đảng, Bác Hồ đã nghiên cứu thấy Tuyên Quang đủ điều kiện để trở thành Thủ đô kháng chiến, làm nơi ở, làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ, các cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận để lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. Có 14 bộ đóng ổn định, lâu dài ở Sơn Dương, còn hầu hết các cơ quan ban, ngành, mặt trận, các đoàn thể Trung ương năm 1947 từ Hà Nội di chuyển lên hoặc sơ tán tạm thời ở đâu đó, thì đến năm 1948 - 1949 đều quy tụ về Tuyên Quang mà trung tâm là xã Bình Yên, Sơn Dương. Cũng trong thời gian này, mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, ngoại giao, xây dựng hậu phương vững mạnh, các chiến dịch… đều được Trung ương Đảng, Chính phủ hoạch định, và chỉ đạo thực hiện từ đây.
Đảng bộ, quân, dân Tân Trào nói riêng, Tuyên Quang nói chung đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm và vinh dự của mình, đề cao tinh thần cảnh giác, bảo mật phòng gian, giúp đỡ các cơ quan, đồng bào tản cư, triệt để tiêu thổ kháng chiến, đóng góp tối đa nhân tài, vật lực, phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu góp phần đập tan các cuộc tấn công của địch, bảo vệ an toàn Thủ đô kháng chiến./.