Non nước Việt Nam

Nét độc đáo về địa tầng ở Tràng An, Ninh Bình

Cập nhật: 13/08/2012 15:06:10
Số lần đọc: 2002
Theo các nhà khoa học Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản, đặc điểm và những nét độc đáo về địa tầng đã góp phần làm nên những giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan và địa chất-địa mạo của Quần thể danh thắng Tràng An.
Thảm thực vật nguyên sinh trong Quần thể danh thắng Tràng An. Ảnh: Đức LamVùng Tràng An - Ninh Bình được các nhà khoa học địa chất xếp vào một đơn vị cấu trúc địa chất có tên “Đới tướng-cấu trúc Ninh Bình”, bao gồm các thành tạo trầm tích lục nguyên, lục nguyên - phun trào…, tạo nên các đặc điểm và những nét độc đáo về địa tầng. Cụ thể, ở Tràng An có các phân vị địa tầng là: Hệ tầng Pa Khôm và Hệ tầng Đồng Giao.
 
Hệ tầng Pa Khôm chỉ phân bố với một diện tích hẹp ở phía Bắc, cụ thể là ở Bái Đính và Sơn Lai. Mặt cắt điển hình có thể quan sát được theo tuyến từ đồi Sào Ngang-Núi Đính-Bắc Sơn Tiến, kết hợp với nhiều điểm lộ khác cho thấy trật tự địa tầng được chia thành 3 tập.
 
Tập 1 gồm sét vôi phân lớp mỏng có màu xanh lục, xám xanh phong hoá cho màu vàng lục, vàng đất; ở đây đã phát hiện được hoá thạch di tích Hai mảnh vỏ, các dấu tích hoạt động sống của sinh vật cổ cỡ nhỏ. Tập 2 gồm đá vôi sét cấu tạo vón cục màu xanh xám xen kẽ với những lớp sét vôi và vôi sét phân lớp mỏng đến trung bình cùng màu; đã phát hiện dấu tích của sinh vật cổ và phát hiện nhiều di tích hoá thạch, có chỗ nhiều đến mức gần như tạo đá thuộc lớp chân bụng và tay cuộn cùng nhiều dấu tích hoạt động sống của sinh vật cổ khác. Tập 3 là đá sét vôi phân lớp mỏng, rất mỏng màu xanh lục thẫm, có chỗ chứa nhiều vật liệu hữu cơ màu xám đen…; đã tìm thấy hoá thạch Hai mảnh vỏ.
 
Tất cả các hoá thạch trên cho tuổi khoảng 240 triệu năm trước. Đặc biệt, các hoá thạch nêu trên là những điểm lần đầu tiên được phát hiện ở vùng Tràng An. Các hoá thạch nêu trên phân bố rộng rãi trong trầm tích Olenek ở Việt Nam và trên thế giới, vì vậy tuổi của Olenek của hệ tầng Pa Khôm ở vùng Tràng An là đáng tin cậy.
 
ở Tràng An, hệ tầng Đồng Giao chủ yếu là đá vôi, đặc trưng gồm 2 tập. Tập 1 gồm đá vôi màu xám, phân lớp mỏng đến trung bình. Tập 2 gồm đá vôi sáng màu hơn, phân lớp dày-dạng khối.
 
Để mô tả hệ tầng Đồng Giao, các nhà khoa học của Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản đã chọn 2 mặt cắt là phần trên của mặt cắt đồi Sào Ngang-Núi Đính-Bắc Sơn Tiến và mặt cắt theo dãy núi đá vôi phía Tây đền thờ Vua Đinh - Vua Lê (Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư) để nghiên cứu chi tiết. Mặt cắt đầu thể hiện tập 1 của hệ tầng; mặt cắt sau thể hiện một phần tập 1 và một phần tập 2 của hệ tầng. Tổng hợp 2 mặt cắt trên có thể khái quát trật tự địa tầng hệ tầng Đồng Giao như sau: Bắt đầu bằng những lớp đá vôi màu xám sẫm, xám đen, phân lớp trung bình, thỉnh thoảng xen những lớp vôi sét nằm chuyển tiếp liên tục lên những lớp sét vôi, vôi sét trên cùng hệ tầng Pa Khôm chứa di tích Hai mảnh vỏ. Tiếp trên là đá vôi màu xám sẫm, phân lớp trung bình xen với những lớp đá vôi phân lớp dày hơn, nhưng trong những lớp dày vẫn quan sát thấy hiện tượng chia thành những lớp mỏng hơn…
Nguồn: Báo Ninh Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT