Chiêng tre - Đặc sắc từ núi rừng Tây Nguyên
Trước khi biết chế tác đồng để làm cồng chiêng, những dân tộc Tây Nguyên đã có một bộ công cụ khác cũng phát ra những âm thanh như cồng chiêng - Đó là chiêng tre.
Năm 2007, không gian cồng chiêng tây nguyên được UNESCO bầu chọn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Kể từ đó cồng chiêng Tây Nguyên được nhắc đến nhiều hơn, được bảo tồn và gìn giữ như báu vật. Nhưng ít ai biết rằng, trước khi biết chế tác đồng để làm cồng chiêng, những dân tộc Tây Nguyên đã có một bộ công cụ khác cũng phát ra những âm thanh như cồng chiêng - Đó là chiêng tre.
Chiêng tre, hay gọi theo tiếng Êđê là Chinh cram, là một nhạc cụ của dân tộc Êđê được làm từ tre nứa, thường đi với một giàn từ 5 đến 15 chiếc. Một giàn là một hợp xướng âm thanh, với các âm giai của từng thể chiêng tương ứng. Dùng đánh trong các lễ hội, đánh theo tính chất tập thể. Chiêng tre là “đặc sản” văn hóa của dân tộc Êđê, nhưng các dân tộc anh em trong 5 tỉnh Tây Nguyên luôn có sự giao lưu, trao đổi văn hóa, bởi vậy mà chiêng tre đã tới được với làng KonTum K’Pâng - nơi sinh sống của dân tộc Bana.
Cô Y Blưn - một người con của làng kể lại rằng, trong một chuyến đi biểu diễn cồng chiêng cùng với các già làng có giao lưu với dân tộc Êđê ở Đắk Lắk, cô đã mê mẩn và học cách để làm ra bộ chiêng mang âm hưởng núi rừng này.
Cô Y Blưn cho biết: “Chiêng tre của người Bana nói chung và các nhạc cụ làm từ tre nói chung ngày xưa rất phổ biến ở làng này, làng kia. Nhưng nay thì số người biết làm chiêng tre ít dần, chúng tôi đi học hỏi từ các làng nghề Bana khác, từ những tỉnh khác để về chỉ dạy lại cho các cháu”.
Để chế tác ra một bộ chiêng tre cũng cực kỳ phức tạp. Trước hết là đi tìm và chọn nguyên vật liệu. Phải chọn được các cây tre có kích cỡ các gióng vừa đủ để tạo ra âm thanh nhất định. Sau đó là chu trình cắt ống theo kích thước dài ngắn khác nhau, theo các đường kính ống tre khác nhau. Độ dài dao động từ 30 đến 45 cm, đường kính từ 8 đến 10 cm.
Cái khó nhất là quá trình thẩm âm. Đi theo mỗi ống tre là một thanh tre già được gọt đẽo cẩn thận. Mỗi cặp chiêng (ống tre và thanh tre) phải có một loại âm thanh và giai điệu tương ứng với một lá chiêng đồng. Chính vì thế, bộ chiêng tre cũng được cấu tạo các kích cỡ âm thanh khác nhau, có hệ thống như bộ chiêng đồng với biên chế tương ứng.
Anh ALong ở Làng KonTum K’Pâng, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum chia sẻ: “Dân làng chúng ta đánh cồng chiêng từ xưa, ông cha ta dạy chúng ta, nhưng chiêng tre thì có người biết, có người không biết. Chiêng tre thì cũng giống bộ chiêng, nhưng chúng ta chỉ dùng 5 cái. Cái cồng lớn và cái trống thì dùng của bộ chiêng. Người học nhạc thì nói chiêng tre ở quãng 8. Ai cũng nói chiêng tre trầm hơn. Sắp tới ai cũng phải biết làm, tập làm. Không tập thì không bao giờ biết”.
Thứ âm thanh gần gũi, linh thiêng của các dân tộc Tây Nguyên vọng vang từ nứa, tre khiêm nhường bấy lâu nay ẩn giấu nơi núi rừng đã bắt đầu được ngân lên ở nhiều phương trời lạ, cuốn hút và mê hoặc lòng người... Những người con của núi như cô YBlưn, anh ALong hay rất nhiều những bạn trẻ say mê cồng chiêng nơi đây đang hàng ngày, hàng giờ gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc mình thông qua âm thanh của tre, của nứa./.
Nguồn: VTV