Đậm đà hương vị món bún cá Châu Đốc – An Giang
Nhắc đến bún cá, người ta thường nhớ ngay đến món bún cá Châu Đốc trứ danh. Chẳng ai biết xuất xứ của món ăn này, chỉ biết rằng bún cá là một món ăn rất được người dân miền Tây yêu thích. Có lẽ một phần cũng vì hình ảnh miền Tây thường gắn liền với sông nước, nhiều tôm cá nên các món ăn được chế biến từ cá luôn chiếm giữ một vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực.
Mặc dù đất Sài Thành được mệnh danh là nơi tập trung đông đúc của các nền văn hóa ẩm thực khác nhau từ Bắc, Trung, Nam hội đủ về đây, tuy nhiên ở Sài Gòn, lại không có nhiều quán bún cá Châu Đốc. Để có thể thưởng thức món bún cá Châu Đốc đặc sắc của người miền Tây, bạn có thể đến góc đường Võ Thị Sáu và Hai Bà Trưng, để thưởng thức qua. Bún cá ở đây gần như giữ nguyên được hương vị đặc trưng của xứ Châu Đốc. Từ nước lèo, miếng cá cho đến rau ăn kèm cũng không có gì thay đổi.
Nấu bún cá khá là công phu và đòi hỏi sự tỉ mỉ của người nấu. Món bún cá ngon đòi hỏi phần nước lèo phải trong, có vị ngọt từ xương cá, đậm đà vị ruốc và quan trọng hơn nữa đó là không tanh mùi cá. Vì thế, nhất định phải chọn loại cá lóc còn tươi, sống, thì khi nấu, thịt cá mới ngon và ngọt.
Cá sau khi được luộc chính sẽ vớt ra, gỡ lấy phần thịt nạc và bỏ đi phần xương cá. Khâu này đòi hỏi một sự khéo tay và cẩn thận của người nấu, bởi nếu còn sót lại xương thì khi ăn sẽ rất dễ bị hóc xương cá. Phần nạc cá này sẽ được ướp gia vị cùng bột nghệ và xào sơ cho thấm gia vị.
Còn nước lèo, sẽ được nấu bằng nước luộc cá, sau đó cho thêm xương lợn vào để nước thêm ngọt. Sau đó, người bán hàng cho sả đập dập, nghệ tươi giã nhuyễn. Khi nêm nước dùng, gia vị không thể thiếu là mắm ruốc. Hòa mắm ruốc vào với nước lạnh, sau đó lấy phần nước trong để cho vào nồi nước lèo đang nấu để góp phần tạo nên hương vị đặc biệt cho món bún cá.
Khi ăn, sẽ trụng bún qua nước sôi, rồi sau đó cho từng lát cá và thịt lợn quay (có nơi thì ăn cùng chả cá, tùy vào khẩu vị của từng nơi mà sẽ có những thay đổi khác nhau), cuối cùng là chan nước lèo vào vừa đủ ngập mặt bún.
Rau ăn kèm cùng bún cá cũng rất phong phú và đa dạng như: rau muống bào, bắp chuối non, giá, rau nhút và bông điên điển. Bông điên điển là một loại bông đặc trưng chỉ có ở miền Tây và thường chỉ có vào mùa nước nổi. Ở Sài Gòn thỉnh thoảng mới thấy có bán loại bông này. Món bún cá khi ăn cùng bông điên điển thì mới có thể cảm nhận hết được cái sự ngon lành và hấp dẫn của nó.
Ngoài ra, khi ăn bún cá thì không thể thiếu một chén muối ớt và chanh. Đây cũng là một điểm khá là thú vị cho món bún cá./.