Non nước Việt Nam

Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Phán – Quảng Ninh

Cập nhật: 05/09/2012 16:25:14
Số lần đọc: 2227
Lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của người Dao Thanh Phán ở Hoành Bồ. Với giá trị văn hoá đặc sắc, lễ cấp sắc là một trong hai di sản văn hoá phi vật thể đầu tiên của Quảng Ninh đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch “đặc cách” lựa chọn để đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Các bước làm lễ cấp sắc khá cầu kỳ và kéo dài tới 3 ngày, 3 đêm, nay các thủ tục có thể được rút gọn nhưng vẫn phải đảm bảo đủ các trình tự hành lễ. Đầu tiên là lễ dâng hương có ý nghĩa báo cho ông bà tổ tiên, thần linh được biết gia đình có người làm lễ cấp sắc. Đây cũng là giờ phút thiêng liêng nhất mở đầu cho thời gian làm lễ kéo dài cũng là lúc không khí tưng bừng, sôi động nhất. Tiếng trống, tiếng chuông, tiếng kèn vang lên rộn rã. Các thầy cúng, người giúp việc, người được cấp sắc và đặt tên đều cùng nhảy múa theo tiếng nhạc, thu hút đông đảo nhân dân trong xóm ngoài làng cùng đến xem đông như hội. Sau lễ dâng hương là đến lễ khai đàn với ý nghĩa từ giờ phút này mảnh đất này trở nên thiêng liêng bởi đã có ông bà tổ tiên thần linh về ngự giám, bởi vậy mọi việc làm đều phải thận trọng. Tiếp theo là lễ dâng đèn với ý nghĩa dẫn dắt người được cấp sắc đi vào con đường học hành để nâng cao sự hiểu biết…

Lễ cấp sắc kết thúc vào lúc nửa đêm, từ đây mọi nghi lễ còn lại chủ yếu dành cho người được cấp sắc. Như lễ Thượng quang (lễ tế trời) nhằm cảm ơn và cầu mong trời phù hộ cho gia chủ và người được cấp sắc, đặt tên gặp mọi điều tốt lành trong cuộc sống. Lễ còn có ý nghĩa là đón ánh sáng thiêng liêng toả ra từ vị vua có quyền uy tối cao ở trên trời là Ngọc Hoàng thượng đế. Bởi vậy, lễ Thượng quang được làm ở ngoài trời vào lúc rạng sáng. Kết thúc phần lễ, thầy cả cầm tù và giương lên trời cao thổi liên tục những hồi dài. Tiếng tù và cất lên vang vọng khắp bản làng, khắp núi rừng trong đêm thanh vắng làm cho cuộc lễ càng trở nên thiêng liêng huyền bí. Được chứng kiến cảnh thầy cúng nhảy múa tế lễ và thổi tù và trong lễ Thượng quang khiến ta liên tưởng đến những cuộc tế lễ thần linh của các bộ tộc thời lịch sử xa xưa của loài người. Đó chính là nét độc đáo mang tính chất nguyên bản của lễ cấp sắc của tộc người Dao Thanh Phán ở Hoành Bồ.

Lễ Giao dấu ấn được làm sau đó với ý nghĩa từ nay trở đi người được cấp sắc có thể làm thầy được. Nhưng khi đã được trao ấn mộc rồi người được cấp sắc vẫn phải miệt mài học tập để nâng cao kiến thức nhiều hơn nữa thì mới được trao ấn có mực. Kết thúc bài khấn, thầy cả giao con dấu cùng với 2 mảnh âm dương cho người được cấp sắc. Con dấu và 2 mảnh âm dương được gói trong một chiếc khăn tay coi như vật bảo bối của gia đình và được cất giữ rất cẩn thận. Sau này nếu người được cấp sắc đi làm thầy cúng thì mang theo và đem con dấu này ra dùng. Đây là giây phút thiêng liêng và tự hào đối với người được cấp sắc trong ngày lễ trọng này. Sau đó là lễ cấp binh với ý nghĩa từ nay trở đi người được cấp sắc được cấp một số binh lính để che chở bảo vệ trong cuộc sống hàng ngày. Tiếp đó là đến lễ kết hôn với ý nghĩa là để Ngọc Hoàng Thượng đế và các thần linh chứng giám và nhận người vợ của thầy ở trên dương gian trần thế cũng là vợ của thầy ở cõi âm, để sau này khi qua đời vợ chồng thầy vẫn ở bên nhau…

Lễ cấp sắc là một di sản văn hoá quý báu, đồng thời cũng là một kho tư liệu rất quý giúp cho việc nghiên cứu về nhiều lĩnh vực như: Tôn giáo, tín ngưỡng, văn hoá tộc người… Trong đó chứa đựng nhiều nội dung tư tưởng mang tính giáo dục sâu sắc, thể hiện bản chất tốt đẹp và mang đậm bản sắc dân tộc Dao. Thông qua nội dung các bài cúng khấn, các bài hát trong lễ cấp sắc đã nói lên khát vọng của con người mong muốn có một cuộc sống sung sướng và hạnh phúc, thể hiện những quan niệm về đạo đức, chứa đựng những giá trị nhân bản mang tính hướng thiện và có tác dụng giáo dục sâu sắc. Đó là khát vọng của con người mong muốn có một cuộc sống no đủ, sung sướng và hạnh phúc, thể hiện trong lễ “cầu hoà”; quan niệm đạo đức về lòng chung thuỷ, tình nghĩa vợ chồng thể hiện qua lễ kết hôn; quan niệm về nguồn gốc, tổ tiên dòng họ qua lễ cúng Bàn Vương; quan niệm về sự cần thiết phải học tập, học giáo lý của Đạo giáo, học đạo lý làm người qua lễ dâng đèn. Điều này cũng giải thích tại sao người con trai bắt buộc phải làm lễ cấp sắc và là một trong ba việc lớn trong đời đối với người con trai dân tộc Dao. Đó chính là những viên ngọc ẩn dấu bên trong lớp vỏ tôn giáo huyền bí cần được khai thác, bảo tồn và phát huy.

Bên cạnh đó, lễ cấp sắc cũng có giá trị nghệ thuật to lớn. Trong lễ cấp sắc có nhiều loại hình văn hoá nghệ thuật được trình diễn. Các loại nhạc cụ dân tộc như trống, kèn, thanh la, não bạt, chuông con, tù và… được sử dụng trong lễ cấp sắc có khả năng biểu cảm khác nhau, khi hoà tấu trở thành một dàn nhạc dân tộc rất độc đáo. Âm nhạc trong lễ cấp sắc cũng rất đa dạng tuỳ thuộc vào mỗi lễ thức cụ thể, có khi rất tĩnh nghiêm, trầm lắng, có khi lại sôi động, vui nhộn. Tiếng chuông con kêu leng keng trong các điệu nhảy của lễ cấp sắc cũng là những âm thanh độc đáo gây ấn tượng khó quên. Đặc biệt là tiếng tù và thổi trong lễ Thượng quang kết hợp với cảnh thầy cúng làm lễ là những cảnh tượng rất huyền bí và linh thiêng.

Bên cạnh đó, những điệu nhảy trong lễ cấp sắc rất độc đáo và mang tính vũ đạo cao. Bộ tranh thờ 18 bức vẽ các nhân vật và sự tích Đạo giáo là những tác phẩm hội hoạ có giá trị rất quí hiếm, vì nó không chỉ giúp cho việc nghiên cứu sâu về tôn giáo mà còn giúp cho việc nghiên cứu về nghệ thuật tạo hình dân gian của các dân tộc thiểu số ở nước ta. Trang phục trong lễ cấp sắc cũng là một yếu tố rất quan trọng, nó không chỉ làm cho màu sắc của lễ hội thêm rực rỡ mà thông qua các hoạ tiết hoa văn trang trí trên áo thầy cúng, trên trang phục người được cấp sắc và trang phục cô dâu đã thể hiện sinh động tâm lý, thị hiếu thẩm mỹ của đồng bào Dao, thể hiện tài năng lao động sáng tạo, đức tính kiên nhẫn, bền bỉ của người phụ nữ dân tộc Dao trong việc thêu thùa, khâu vá…

Hiện nay ở một số xã vùng cao như Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng của huyện Hoành Bồ, những gia đình dân tộc Dao Thanh Phán có điều kiện về kinh tế vẫn tổ chức lễ cấp sắc cho con cháu trong gia đình dòng tộc. Tuy nhiên, nhiều địa phương khác đến nay đã không còn tổ chức lễ cấp sắc thường xuyên như trước đây vì nhiều lý do về nhận thức, về kinh tế. Xác định đây là một di sản quý, Quảng Ninh cần có biện pháp cụ thể để bảo tồn và phát huy tốt lễ cấp sắc trong thực trạng di sản đang biến dạng và có nguy cơ mai một dần trong đời sống hôm nay./.

Nguồn: website báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT