Non nước Việt Nam

Nét đẹp văn hóa của người Sán Chỉ ở Khâu Đấng

Cập nhật: 06/09/2012 10:10:02
Số lần đọc: 2561
Nép mình bên dãy núi hùng vĩ và dòng suối Nà Nghè hiền hoà, bản của người Sán Chỉ Khâu Đấng, xã Bộc Bố (Pác Nặm) yên bình và thơ mộng. Dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi nhưng người dân nơi đây vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

Gặp chúng tôi trên đường lên thôn, dù không quen biết nhưng với bản tính hiền hậu, mến khách, sau vài câu chuyện, Trưởng thôn Hoàng Văn Cầu đã niềm nở mời về nhà. Từ nhà trưởng thôn, phóng tầm mắt có thể bao quát toàn cảnh Khâu Đấng với những nếp nhà sàn xinh tươi, ẩn mình dưới những tán cây. Qua những câu chuyện Trưởng thôn Cầu chia sẻ, chúng tôi được biết cuộc sống của bà con trong thôn những năm gần đây đang có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn thôn có 35 hộ, nhưng chỉ còn 10 hộ nghèo, nhiều hộ đã có cuộc sống khá giả. Sau nhiều lần tu sửa bằng công sức của người dân và sự đầu tư của Nhà nước, đường vào thôn đã được mở rộng, tạo điều kiện cho thôn phát triển kinh tế. Nhưng đáng mừng hơn cả là dù cuộc sống đã thay đổi nhưng nhiều giá trị văn hoá truyền thống đồng bào Sán Chỉ nơi đây vẫn được lưu giữ và phát huy.

 

Điều này được thể hiện rất rõ qua trang phục truyền thống của người phụ nữ. Trong bối cảnh nhiều dân tộc đang dần đánh mất đi trang phục truyền thống của mình, thì phụ nữ Sán Chỉ ở Khâu Đấng vẫn gìn giữ nó như một vốn quý. Dù làm gì, ở đâu, trong các dịp lễ, tết hay xuống chợ, làm nương, đi học, người phụ nữ Sán Chỉ vẫn mặc nó với niềm tự hào riêng. Được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, trang phục này thể hiện sự khéo léo, tinh tế và thế giới quan của người phụ nữ Sán Chỉ thông qua mỗi đường kim, mũi chỉ, mỗi hoa văn, hoạ tiết trên áo. Ngay từ thửa thiếu thời, trong lúc nông nhàn, trên mỗi ngôi nhà sàn truyền thống những người bà, người mẹ lại truyền dạy cho con cách dệt vải, đan áo. Dù sắc áo không sặc sỡ, nhưng trang phục của phụ nữ Sán Chỉ vẫn có điểm nhấn nhờ những vật trang sức như vòng cổ, vòng tay và các phụ kiện dùng để quấn tóc. Cùng với đó những văn hoá liên quan đến lễ nghi vòng đời người và lao động sản xuất cũng được bảo tồn, phát huy.

 

Ở Khâu Đấng, mỗi lần họp thôn không cần thông báo, trưởng thôn chỉ cần gõ mõ tre là bà con tập hợp đông đủ. Nhà họp thôn không chỉ là nơi truyền đạt đường lối chỉ đạo của cấp trên mà còn là nơi người già truyền dạy cho thế hệ trẻ những hồn cốt của dân tộc mình.

 

Giữ gìn văn hoá truyền thống cũng đồng nghĩa với loại bỏ đi những phong tục lạc hậu, tiếp thu cái hay, cái mới từ bên ngoài. Từ khi hương ước thôn được xây dựng, việc tổ chức đám ma, đám cưới và các dịp lễ của người dân Khâu Đấng đã văn minh và phù hợp với nếp sống mới hơn. Trong thôn, mỗi khi nhà ai có việc hệ trọng là bà con lại đến thăm hỏi, chia sẻ và giúp đỡ bằng vật chất. Mỗi bó củi, bát gạo, cân thịt dù nhỏ bé nhưng thể hiện sự thương yêu, đùm bọc của người dân Sán Chỉ và làm tăng tính cố kết cộng đồng. Đã nhiều năm nay ở Khâu Đấng không còn tình trạng tảo hôn, sinh con thứ ba. Thôn bản yên bình, không có người mắc các tệ nạn xã hội. Vì thế nhiều năm liền Khâu Đấng giữ vững danh hiệu khu dân cư tiên tiến và làng văn hoá.

 

Trưởng thôn Hoàng Văn Cầu khẳng định: Dù đời sống của người dân Khâu Đấng còn vất vả nhưng chúng tôi sẽ cố gắng giữ gìn và phát huy những nét văn hoá truyền thống. Qua đó, góp phần tô thắm vườn hoa nhiều sắc màu các dân tộc vùng cao huyện Pác Nặm./.

Nguồn: Báo Bắc Kạn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT