Những loại gia vị đặc trưng của Nhật Bản
Kikkoman được xem như "di sản" của người Nhật, mặc dù không chỉ Nhật Bản mới có nước tương. Đây là sự tổng hòa của khoảng 300 nguyên liệu khác nhau, được chọn lọc cẩn thận, cân bằng trong một loại gia vị có thể tạo được sự kích thích ở cả năm giác quan. Thưởng thức những món luộc, hấp, Sashimi tươi ngon, chấm ngập trong hương vị cân bằng tinh tế của Kikkoman sẽ mang lại những ấn tượng khó quên.
Mirin cũng là một loại gia vị khác đặc trưng của Nhật Bản. Mirin được tạo ra do quá trình chuyển hoá tinh bột thành đường lên men từ mạch nha lúa gạo và nếp trộn với rượu. Bạn có thể cảm nhận được rõ ràng hương vị của Mirin qua các món nướng, kho, có tác dụng như chất dẫn giúp cho gia vị nhanh thấm vào thức ăn, mà không làm cho nguyên liệu nấu món ăn bị vỡ. Ngoài ra, Mirin làm tăng độ ngọt tự nhiên cho đồ ăn. Vì vậy các món ăn Nhật Bản luôn giữ được vị thanh khiết vốn có của nguyên liệu tươi.
Với Sashimi hay Sushi, người thưởng thức sẽ không thể bỏ qua Wasabi (hay còn gọi là mù tạt). Khác với Wasabi thông thường, Wasabi Nhật mang vị cay nồng nhưng không quá gắt. Wasabi tốt cho sức khỏe và tăng thêm hương vị cho món ăn, đặc biệt là với các món cá và hải sản.
Xuất hiện từ đầu thế kỷ thứ VIII, Miso lại là một gia vị giàu đạm, vitamin và khoáng vi lượng, được lên men trực tiếp từ đậu nành cùng với gạo hay lúa mì. Miso là loại sốt đặc sánh có vị mặn kèm theo mùi thơm và hương vị độc đáo riêng từng vùng, hoặc từng nguyên liệu. Chính vì thế, Miso có thể dùng làm tương, nước sốt; để muối rau cải, thịt hoặc nấu chung với nước dùng dashi.
Ngoài những gia vị đặc trưng trên, các loại gia vị phong phú khác trong kho tàng ẩm thực của Nhật Bản còn có: sake nấu (cooking sake); dầu vừng, gia vị Shichimi Togarashi (gồm 7 thành phần, thường ăn kèm với súp và mì), gừng muối, rong biển Nori, muối mè, củ cải, sốt cà chua Tonkatsu (loại sốt cay của Nhật, giống như xốt Worcestershire và mù tạc, thường ăn với thịt heo Tonkatsu)…
Một bàn ăn Nhật Bản có thể xem như một "bộ sưu tập" các món ăn với sự kết hợp hài hoà, khéo léo giữa nhiều yếu tố như: đặc điểm từng vùng địa phương, món ăn thay đổi theo mùa, ảnh hưởng lịch sử qua sự lựa chọn món ăn, kỹ thuật trình bày và không thể thiếu là nghệ thuật sử dụng và kết hợp các loại gia vị, để vừa giữ được hương vị thuần khiết của nguyên liệu, vừa làm tăng mùi vị của món ăn./.