Hành trang lữ khách

Trẩy hội Ka tê năm 2012

Cập nhật: 18/10/2012 14:08:20
Số lần đọc: 1440
Lễ hội Ka tê năm 2012 của đồng bào Chăm Bình Thuận diễn ra từ ngày 15 – 16/10 tại di tích Tháp Pô Sah Inư thành phố Phan Thiết với đầy đủ nghi lễ truyền thống và những phần hội hấp dẫn, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Mã Điền Cư – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Nguyễn Thành Tâm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự buổi lễ rước y trang – một nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội Ka tê.

 

Nghi thức lễ Ka tê được phục dựng và tổ chức theo đúng phong tục truyền thống của cộng đồng người Chăm, do các chức sắc tôn giáo Chăm ở huyện Hàm Thuận Bắc trực tiếp thực hiện. Cụ thể, lễ cúng cầu an lần lượt được thực hiện bởi các chức sắc tôn giáo Bàni lẫn Bàlamôn. Tiếp theo nghi thức chào mừng lễ hội là nghi thức lễ phục, kiệu rước, nghinh, thỉnh và rước trang phục nữ Thần Pô Sah Inư lên tháp chính. Đoàn rước bao gồm các chức sắc 2 đạo Bàni và Bàlamôn, đội múa, đội nhạc lễ dân gian Chăm…Sau đó là nghi lễ mở cửa tháp, lễ tắm bệ thờ Linga – Yoni, lễ mặc trang phục nữ thần, đại lễ trước tháp chính.

 

Trước đó 1 ngày, hội Ka tê được mở đầu bằng các cuộc thi làm bánh gừng, chế biến ẩm thực Chăm, bịt mắt đập niêu, vượt chướng ngại vật, ngậm chanh về đích và nhất là thi trưng bày, trang trí lễ vật để dâng cúng nữ thần. Vào buổi tối sẽ là liên hoan văn nghệ dân gian do các nghệ nhân, diễn viên Chăm trình diễn với các tiết mục như: ca múa, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, giới thiệu trang phục Chăm dùng trong các lễ hội dân gian, lễ cưới, lao động, sinh hoạt, học tập… nam thanh, nữ tú trong cộng đồng từ nhiều nơi cũng hội tụ về. Qua lễ hội Ka Tê, đây cũng là dịp để các chàng trai cô gái biết nhau, tìm hiểu nhau. Với ý nghĩa tiếp tục giới thiệu và phát huy vốn quý văn hóa – nghệ thuật truyền thống của đồng bào Chăm, tạo không khí vui tươi, đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc ở địa phương, Lễ hội Ka tê đã được tỉnh Bình Thuận chọn là Lễ hội truyền thống tổ chức thường niên hàng năm như là một nét văn hóa độc đáo để thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng và tìm hiểu.

 

Có thể nói, kho tàng văn hóa, lễ hội dân gian Chăm được xem là một bộ phận di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ, phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau về văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo và nghệ thuật liên quan đến đời sống, sinh hoạt của người Chăm. Lễ hội Ka tê là lễ hội lớn và có ý nghĩa sâu thẳm trong cộng đồng văn hóa Chăm. Từ năm 2005, việc phục dựng lễ hội tại tháp Pô Sah Inư đã cho thấy tầm quan trọng của việc gìn giữ những giá trị văn hóa dân gian. Từ đó, lễ hội Ka tê  cùng với nhiều lễ hội văn hóa khác như lễ hội Nghinh ông của cộng đồng người Hoa, lễ hội dinh Thầy Thím, lễ hội cầu ngư... được UBND tỉnh chọn là một trong 7 lễ hội tiêu biểu của địa phương, nhằm phát triển du lịch./.

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục