Lễ hội té nước - nét văn hóa độc đáo ở Nà Luồng (Lai Châu)
Nhờ vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ cùng bản sắc văn hóa lâu đời, Nà Luồng đang trở thành điểm đến thân thiện với nhiều du khách.
Từ thị xã Lai Châu, theo quốc lộ 4D về phía đông nam khoảng 53km, du khách sẽ tới con đường dẫn vào bản Nà Luồng quanh co, uốn lượn bám theo những đồi chè, rừng cây tái sinh dài 7km. Ấn tượng đầu tiên khi tới bản là hình ảnh những nếp nhà sàn truyền thống nằm nép mình dưới những tán lá xanh, những làn khói lãng đãng, bềnh bồng trong gió núi cùng những người phụ nữ Lào trong trang phục truyền thống đang miệt mài dệt vải.
Dân tộc Lào hiện có khoảng 13.000 người, sinh sống chủ yếu tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai bằng nghề trồng lúa nước, chăn nuôi, đan lát, dệt thổ cẩm... Cũng giống như các bản làng dân tộc Lào khác ở Tây Bắc, Nà Luồng hiện vẫn bảo tồn nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống đặc trưng, trong đó có lễ hội té nước (Bun Vốc Nậm).
Từ xa xưa, dân tộc Lào vẫn lấy lúa nước làm cây trồng chủ đạo và rất coi trọng nước vì nước là nguồn sống của vạn vật. Đó cũng chính là điểm khởi nguồn của lễ hội té nước. Lễ hội té nước thể hiện ý nghĩa phồn thực, tập quán canh tác nông nghiệp lâu đời của cư dân Lào, được tổ chức mỗi khi người Lào thu hoạch xong vụ lúa nhằm cầu mưa thuận, gió hòa, mùa vụ mới tươi tốt, bội thu.
Lễ hội bao gồm hai phần lễ và hội. Phần lễ có nghi thức cúng tế thần linh xin cho tổ chức lễ hội, mưa gió thuận hòa, con người khỏe mạnh, hạnh phúc. Tiếp đến, già làng, trưởng bản cùng các nam nữ thanh niên đập mẹt, gõ trống, tuốt lá cọ, tuốt lạt… giả làm tiếng sấm, mưa rơi rồi đội nón, khoác áo mưa đến từng nhà xin nước để té vào nhau…
Phần hội được bắt đầu khi tất cả người già, trẻ nhỏ, nam nữ thanh niên cùng kéo nhau ra suối để té nước với quan niệm ướt càng nhiều thì càng gặp nhiều may mắn. Hoạt động này không chỉ thu hút người dân địa phương tham gia mà còn có cả khách du lịch. Tất cả đều muốn được té nước, đắm mình trong dòng nước mát với hy vọng sẽ có nhiều điều may mắn đến với mình.
Lễ hội khép lại bằng các trò chơi dân gian mang đậm sắc màu Tây Bắc như: đẩy gậy, kéo co, ném còn…
Đến Nà Luồng, ngoài dịp khám phá cảnh đẹp núi rừng hùng vĩ, lễ hội té nước độc đáo…, du khách còn được thưởng thức các món đặc sản địa phương như: cơm lam, xôi màu, cá hấp lá chuối, gà (cá) nấu me…
Với bản sắc văn hóa độc đáo, Nà Luồng đã được Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) chọn để tư vấn, đầu tư phát triển thành điểm đến du lịch cộng đồng, đồng thời được Tổng cục Du lịch xem xét đưa vào danh sách các điểm đến trên tuyến du lịch “Vòng cung Tây Bắc”. Trong tương lai, Nà Luồng sẽ trở thành một trong những điểm du lịch lý tưởng để du khách tạm quên đi ồn ào, náo nhiệt nơi phố thị./.