Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát then
Được biết đến là một di sản văn hóa – nghệ thuật truyền thống độc đáo của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lạng Sơn… then được lưu giữ, phát triển thành một không gian văn hóa hát then – đàn tính hết sức đồ sộ về khối lượng, phong phú về thể loại, đa dạng về hình thức biểu diễn. Trải qua nhiều năm, một số đồng bào người dân tộc ở phía bắc đã di cư đến phía Nam sinh sống và mang theo loại hình này vì vậy hiện nay ở một số tỉnh phía nam cũng thấy xuất hiện nghệ thuật hát then.
Vốn không chỉ đơn thuần là một loại hình nghệ thuật diễn xướng, hát then còn là một hình thức tín ngưỡng lâu đời của người đồng bào dân tộc. Truyền thuyết kể rằng: Nhà Mường Then có 22 vạn gian nhà, nhà Then rộng mở khang trang, tha hồ cho đôi con Rồng đùa nhau bay lượn khắp các gian nhà Then, đàn voi, đàn ngựa có thể chạy nước đại trên sân nhà Then. Nhà Mường Then cái gì cũng đẹp vì vậy người trần muốn đến được nhà Mường Then để ngắm phong cảnh và cầu xin cho con người ai ai cũng được khỏe mạnh, xinh đẹp, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt...
Chính vì hát then gắn với tín ngưỡng của đồng bào dân tộc nên loại hình nghệ thuật này đươc lưu giữ và truyền lại cho biết bao thế hệ. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, cũng như nhiều loại hình văn hóa phi vật thể khác, hát then đang đứng trước nguy cơ mại một trong xã hội phát triển. Lý do là bởi lớp nghệ nhân đã quá già, thiếu những thế hệ kế cận, bên cạnh đó không gian diễn xướng cho loại hình nghệ thuật này cũng đang mất dần trong cơn lốc đô thị hóa. Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của hát Then những năm vừa qua các tỉnh, địa phương có người dân tộc Tày, Nùng đã có những hành động cụ thể như: Tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức mời các nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy cho thế hệ trẻ thông qua các lớp học do Sở VHTTDL tỉnh tổ chức. Trong các dịp lễ, tết, hội làng… tỉnh luôn đưa hát then vào chương trình biểu diễn chính… Tại Quảng Ninh, ngoài việc hỗ trợ các lớp học UBND tỉnh còn tuyên truyền tích cực cho loại hình nghệ thuật này. Vì thế đến nay một số xã, huyện tại Quảng Ninh luôn vang lên tiếng hát then trong các dịp cưới hỏi, lễ cầu an, chúc thọ ông bà. Tỉnh còn xây dựng hẳn một đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật này. Còn ở tỉnh Tuyên Quang – một trong những tỉnh tích cực nhất trong việc tìm các giải pháp bảo tồn thì năm nào cũng có đến mấy lớp học được tỉnh tổ chức. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Vũ Phan – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh cho biết thì mặc dù tỉnh tổ chức rất nhiều các lớp học song số lượng các bạn trẻ tham gia không nhiều. Tại tỉnh Tuyên Quang chỉ có 4 nghệ nhân nắm giữ làn điệu then cổ thì 2 nghệ nhân đã khuất núi, hát then giờ bị trẻ hóa nhiều, lời then đa phần được đặt lời mới. Điều đáng lo nhất theo ông Nguyễn Vũ Phan là người dân tộc Tày hiện nay phần nhiều không nói được tiếng mẹ đẻ, đây là một thực trạng ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc bảo tồn hát then. Tại tỉnh Lạng Sơn thì dự án bảo tồn đã được hoành thành trên giấy nhưng lại không có kinh phí thực hiện, ông Hoàng Thành Khởi – trưởng phòng Văn hóa Sở VHTTDL tỉnh cho biết: nếu có kinh phí thì cũng không thể thực hiện được bởi không có nghệ nhân nào có thể truyền dạy…
Như vậy có thể thấy, mặc dù các tỉnh đã có nhiều những hành động tích cực cho việc bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo của đồng bào dân tộc song kết quả thì vẫn còn hạn chế. Về vấn đế này, ông Nguyễn Vũ Phan đã có ý kiến: Yếu tố quyết định là phải coi trọng vai trò của các nghệ nhân, hạt nhân văn hóa dân tộc Tày. Từ trước tới nay, mới chỉ là sự coi trọng về mặt tinh thần, động viên, cổ vũ, đến giờ cần phải quan tâm vật chất, dành một phần kinh phí thỏa đáng hỗ trợ hoạt động của các nghệ nhân để họ truyền dạy làn điệu Then cho thế hệ trẻ và đào tạo người kế nghiệp. Không ai có thể thay các nghệ nhân đào tạo người kế nghiệp mà phải do chính các nghệ nhân đảm nhiệm. Đồng thời, hàng năm các địa phương cần tổ chức hội nghị tôn vinh các nghệ nhân, hạt nhân văn hóa dân gian để động viên, cổ vũ những người có đóng góp tích cực đối với đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nhạc sĩ Lương Nguyên, người từng làm Tổng đạo diễn Liên hoan hát Then – đàn Tính thì lại cho rằng: Muốn bảo tồn hát Then phải để cho nó được sống trong cộng đồng. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng chứ không thể làm thay…
Sắp tới đây, Liên hoan nghệ thuật Hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ IV tại tỉnh Lạng Sơn, năm 2012 sẽ được tổ chức từ ngày 02 tháng 11 đến ngày 06 tháng 11. Liên hoan không chỉ là cơ hội giao lưu giữa các tỉnh có nghệ thuật hát then, đàn tính, giới thiệu loại hình nghệ thuật đến với đông đảo công chúng mà còn là một hành động thiết thực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật của di sản văn hóa này./.