Non nước Việt Nam

Lễ cưới của người Dao họ

Cập nhật: 17/10/2012 11:36:58
Số lần đọc: 3379
Lễ cưới của người Dao họ gồm ba nghi lễ chính là lễ đặt trầu, lễ ăn hỏi và lễ cưới.

Sau thời gian tìm hiểu, đôi trai gái muốn tiến tới hôn nhân, chàng trai sẽ đưa cô gái về ra mắt bố mẹ và nhờ bố mẹ tổ chức lễ cưới. Bố mẹ chàng trai sẽ chọn ngày gần nhất sang nhà cô gái chơi để tìm hiểu về bố mẹ, gia đình bên nhà cô gái, nhưng không để cho gia đình nhà gái biết. Nếu thấy ưng thuận, bố mẹ chàng trai sẽ chọn ngày tốt làm lễ xem mặt "nịnh ăn rền", đây là nghi lễ gặp mặt chính thức giữa hai gia đình.

 

Lễ ăn hỏi, còn được gọi là lễ đặt trầu "nhịn chay á" được tổ chức tại gia đình nhà gái. Lễ vật trong lễ ăn hỏi rất đơn giản, gồm một đôi gà bỏ vào rọ tre bọc giấy hồng, tại lễ ăn hỏi, hai gia đình sẽ thống nhất lễ vật gia đình nhà trai phải mang sang trong ngày cưới. Sau lễ ăn hỏi khoảng nửa năm, hai gia đình tổ chức lễ cưới chính thức.

 

Lễ cưới "áy cón" chính thức thường được gia đình tổ chức vào dịp cuối năm, họ kiêng tổ chức lễ cưới vào các tháng lẻ trong năm, kiêng tổ chức lễ cưới trùng với ngày sinh của bố mẹ, cô dâu, chú rể, hai bên gia đình với ý nghĩa tổ chức vào ngày này vợ chồng sẽ không được may mắn. Lễ cưới của người Dao họ thường diễn ra trong hai ngày, ngày đầu được tổ chức tại gia đình nhà gái, ngày thứ hai tổ chức bên gia đình nhà trai.  

Theo phong tục của người Dao họ, khi phái đoàn nhà trai chuẩn bị bước ra khỏi cửa thì tất cả trẻ con trong làng sẽ tập trung đứng trước cửa, ông mối phải cho tiền bọn trẻ mới được rước dâu về. Khi đến ngõ nhà trai, hai người dẫn dâu lấy ba bộ quần áo mặc cho cô dâu rồi họ dẫn cô dâu vào nhà làm lễ gia tiên. Khi vào nhà, cô dâu phải dẫm lên ba hình nhân với ý nghĩa nếu có điều gì không may mắn thì ba hình nhân sẽ là người chịu thay. Sau đó cô dâu, chú rể ngồi quỳ trước bàn thờ tổ tiên để thầy cúng làm lễ báo tổ tiên. Kết thúc nghi lễ, cô dâu, chú rể lần lượt lại chỗ họ hàng để cảm ơn, rồi ông mối cùng hai người dẫn dâu dẫn cô dâu, chú rể vào buồng cưới thay quần áo…

 

Sáng hôm sau, gia đình nhà trai gồm bố chú rể, một ông chú và hai vợ chồng mang một đôi gà đến gia đình nhà gái làm lễ lại mặt "hụm lâu" để giới thiệu gia đình thông gia, con rể với anh em trong gia đình nhà gái. Từ nay, hai gia đình chính thức là thông gia, riêng chú rể và cô dâu phải nhận vợ chồng ông mối làm bố mẹ nuôi.

 

Ngày nay, lễ cưới của người Dao đã có nhiều biến đổi so với trước đây, các nghi lễ được rút ngắn, nhưng phần lớn các lễ cưới vẫn được các gia đình tổ chức theo nghi lễ truyền thống để gìn giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT