Non nước Việt Nam

Người Sán Dìu ở Tuyên Quang giữ gìn trang phục truyền thống

Cập nhật: 11/10/2012 17:19:17
Số lần đọc: 3321
Trang phục truyền thống là một trong những nét đẹp văn hoá độc đáo thể hiện bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Vì vậy, giữ gìn và phát huy trang phục truyền thống chính là bảo tồn một phần linh hồn của dân tộc. Đối với người dân tộc Sán Dìu ở xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương, bà con nhân dân ở đây đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực, đặc biệt là tổ chức truyền dạy cho con cháu để giáo dục thế hệ trẻ biết trân trọng và phát huy vốn bản sắc văn hoá của dân tộc mình.

Không sặc sỡ và thêu thùa cầu kỳ nhiều hoa văn, màu sắc như một số dân tộc khác, trang phục nữ giới của người Sán Dìu khá đơn giản mà vẫn đẹp mắt, gọn gàng và tình tứ. Bộ nữ phục truyền thống gồm có khăn đội đầu, áo dài ngang đầu gối mặc bên ngoài, áo ngắn mặc bên trong và ngực đeo yếm trắng. Váy xẻ gồm nhiều miếng, dài đến đầu gối, được may bằng nhiều lớp vải chồng lên nhau ở phần trên, rồi khâu lại, có dây dải buộc vào eo lưng, bắp chân được cuốn xà cạp trắng. Váy áo đều có màu chàm, thắt lưng bằng những dải lụa xanh, đỏ. Áo dài có 4 thân, cổ bẻ có nẹp trơn. Nhìn vào cách mặc áo người ta có thể phân biệt được người phụ nữ đã có chồng hay chưa. Đối với phụ nữ đã có chồng và người già thì mặc áo vạt trái vắt sang bên phải, còn phụ nữ chưa chồng thì vắt ngược lại. Cũng giống như nhiều dân tộc khác, trong bộ trang phục truyền thống của người Sán Dìu không thể thiếu những món đồ trang sức gồm có vòng cổ, vòng tay, xà tích, nhẫn bạc, túi đựng trầu. Trang phục nam giới đơn giản hơn và đã có sự thay đổi khá nhiều so với trước, hiện nay mặc gần giống với người Kinh, ngày thường mặc quần áo nâu hoặc chàm, áo thường có 5 thân, ngày hội thì có vấn khăn hoặc đội khăn xếp. Trước đây, để làm được một bộ trang phục như này phải mất khá nhiều công đoạn từ việc trồng bông, dệt vải, nhuộm tràm sau đó mới cắt và may thành bộ trang phục.

Trong xu thế hội nhập giao thoa văn hoá, sự ảnh hưởng lẫn nhau của các cộng đồng dân tộc là một điều tất yếu, tuy nhiên mặt trái của nó là sự mai một bản sắc dân tộc, hầu như các thế hệ trẻ đều ít hiểu biết về vốn văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt, trang phục của nhiều dân tộc đã bị mai một vì giới trẻ tiếp thu văn hoá của người Kinh. Vì vậy, để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc cũng như trang phục truyền thống, cộng đồng người Sán Dìu ở Sơn Nam đã thành lập câu lạc bộ hát Soọng cô, tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ về phong tục tập quán, ngôn ngữ, những làn điệu dân ca, cũng như trang phục truyền thống của dân tộc, giúp các thế hệ con cháu được tìm hiểu, từ đó bồi đắp tình yêu, niềm tự hào dân tộc và có ý thức gìn giữ, phát huy.

Trang phục là một trong những yếu tố quan trọng chứa đựng linh hồn và bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc. Vì vậy, để có thể bảo tồn và phát huy, cần phải có sự ý thức và nỗ lực của chính những người dân trong cộng đồng dân tộc ấy mà trước tiên là ý thức của những thành viên trong gia đình với việc giáo dục thế hệ con cháu biết trân trọng, gìn giữ và phát triển vốn văn hoá độc đáo của thế hệ cha ông mình để lại./.

Nguồn: website Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT