Đình Ken – Di tích lịch sử văn hóa của Lào Cai
Đền Ken toạ lạc trên đỉnh đồi Pù Đình, cao hơn 180m, giữa lòng thôn Ken với khu đất rộng trên 10.000m2. Theo ký ức từ những vị cao niên, do lợi thế về điểm cao, lại có tầm quan sát rộng, nên thời thuộc Pháp, các quan binh thực dân đã chọn nơi này là điểm "chốt giữ" cả 4 thôn: Ken, Chiềng, thôn Bô, thôn Bẻ xung quanh bán kính 4 km. Tuy nhiên, bọn chúng không giữ đồn được lâu trước phong trào đấu tranh và sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của quân Cách mạng (thời đó gọi là Việt Minh), bọn thực dân đã phải rút chạy, trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân địa phương. Từ đó, tính linh thiêng của ngôi đền càng được nhân dân tôn thờ, bởi địch chốt giữ nơi này càng đánh càng thua.
Theo tích xưa, Đền Ken thờ ông Nguyễn Hoàng Long và các vị tướng lĩnh dòng họ Nguyễn đã có công đánh đuổi giặc và khai khẩn lập làng xã tại châu Văn Bàn. Nhân dân trong vùng nhớ tới công lao của ông và các tướng lĩnh dòng họ Nguyễn đã tôn thờ, lập đền thờ tại nơi đây. Do Đền được đặt trên ngọn đồi cao nhất làng nên còn được nhân dân gọi là đình Ken. Qua thời gian với những biến cố thăng trầm của lịch sử và các cuộc chiến tranh đã khiến Đền Ken bị tàn phá nhiều lần, có lúc tưởng chừng như không còn dấu tích. Năm 2006 đền chính thức được tôn tạo xây dựng lại khang trang và được UBND tỉnh Lào Cai công nhận là di tích lịch sử văn hoá.
Ngày nay đường lên Đền đã được nhân dân địa phương mở mang. Các phương tiện giao thông hiện đại như ô tô, xe máy vào được tận nơi, rất thuận lợi cho du khách đến thăm viếng. Với sự linh thiêng huyền bí được người dân truyền miệng và cảnh trí đẹp Đền Ken ngày càng được nhiều người biết đến và thu hút ngày càng nhiều khách thập phương đến viếng, lễ bái. Hàng năm cứ vào ngày 7 tháng 01 âm lịch, tỉnh Lào Cai tổ chức tế Lễ Đền Ken để tưởng nhớ đến công lao của ông Nguyễn Hoàng Long và các chư vị.
Ông Nguyễn Văn Tiền (ông từ coi đền) cho biết: Lễ Tế trên mâm cúng phải có xôi, gà, đầu trâu để đồng bào Tày địa phương tri ân người có công giúp nhân dân khai khẩn ruộng nương, xây dựng và bảo vệ bờ cõi và cầu mong mưa thuận, gió hoà, vạn vật sinh sôi nảy nở, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Sau phần Lễ, phần Hội bao giờ cũng được tổ chức dài ngày trong suốt cả tháng Tết, trong đó không thiếu được các môn mang tính thượng võ và trò chơi dân gian của dân tộc như đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy, thi bắn nỏ, đua ngựa, ném còn và hát then, hát chầu văn… nhằm tái hiện lại cuộc sống, giá trị văn hoá thuở xưa trong truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Được biết, để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá tôn nghiêm của dân tộc, UBND huyện Văn Bàn (Lào Cai) đang lập hồ sơ đề nghị nâng cấp Đền Ken thành Di tích lịch sử Văn hóa Quốc gia. Tuy chưa sưu tầm đầy đủ các di tích quý do bị thất truyền theo thời gian, nhưng hiện nay Đền Ken đã trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân trong và ngoài tỉnh, là nơi lưu giữ những di tích lịch sử có giá trị văn hoá trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Ngôi đền tĩnh lặng trầm mặc, nằm khiêm nhường dưới tán những cây lim cổ thụ lá xanh quanh năm, thoáng mát về mùa hè, tịnh mịch ấm áp vào mùa đông là nơi linh thiêng, dưỡng tâm của du khách. Ngoài giá trị tâm linh, ngôi đền còn thể hiện lòng thành kính biết ơn những bậc khai sáng đất nước, anh hùng dân tộc một cách trân trọng./.