Non nước Việt Nam

Hải Phòng giới thiệu di tích quốc gia đền Nghè trong năm du lich 2013

Cập nhật: 21/11/2012 15:15:48
Số lần đọc: 2139
Điểm đặc biệt làm nên sức hút đối với du khách là đền Nghè (đền thờ nữ tướng Lê Chân) gắn với truyền thuyết về một vị thần thiêng, lưu truyền huyền thoại thú vị, ý nghĩa với sự hình thành và phát triển của làng An Biên xưa, thành phố Hải Phòng ngày nay.
Một trong những điểm đến được đoàn công tác của Tổng cục Du lịch vừa tiến hành khảo sát để xây dựng hành trình “tua”, giới thiệu trong Năm du lịch quốc gia 2013 tại Hải Phòng, đó là đền Nghè. Một địa danh du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu của thành phố Hoa Phượng đỏ được đông đảo du khách ưa thích. Họ đến di tích lịch sử văn hóa thờ Nữ tướng Lê Chân này để tìm hiểu về vùng đất, con người Hải Phòng gắn với vị tướng giỏi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thế kỷ thứ nhất (40 - 43). Người đã đến vùng đất ngã ba sông Tam Bạc- sông Cấm, lập ấp Vẻn, sau đổi là An Biên Trang, tiền thân của thành phố Hải Phòng sau này. Đền bề thế với quy mô vừa phải nhưng từ lâu trở thành một trong số những di tích lịch sử và danh thắng nổi tiếng của thành phố. Nơi đây được coi là tổng thể di tích lịch sử gồm voi, ngựa đá, sập đá, bia đá và các kiến trúc đẹp.

Một điều thuận lợi với mỗi du khách muốn đến viếng thăm đền Nghè là đền nằm ở trung tâm thành phố, trên đường Lê Chân, phường An Biên, quận Lê Chân. Đền nằm trong quần thể điểm đến ở khu vực trung tâm thành phố từ Nhà hát thành phố, Quán hoa, dải vườn hoa trung tâm đến, hồ Tam Bạc đến Bảo tàng thành phố, đình Hàng Kênh, chùa Dư Hàng, khu phố cổ, chợ Sắt…  Cách đền Nghè hơn 100 mét về phía tây bắc là Tượng đài Nữ tướng Lê Chân. Tượng đài Nữ tướng Lê Chân đặt tại vườn hoa trung tâm thành phố với chất liệu bằng đồng, cao 7,5m, nặng 19 tấn, khánh thành ngày 31-12-2000.

Đền Nghè ban đầu chỉ là một ngôi đền nhỏ lợp tranh, đến năm 1919, được xây dựng khang trang. Đền Nghè hiện nay là một công trình mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn, đầu thế kỷ 20 với tam quan, toà bái đường, thiêu hương, hậu cung, giải vũ, nhà bia, nơi đặt tượng voi đá, ngựa đá. Chính giữa nóc nhà bái đường đắp nổi hàng chữ Hán lớn “An Biên cổ miếu”. Du khách được chiêm ngưỡng tòa bái đường gồm 5 gian được nâng đỡ bởi 16 cột gỗ lim, kê trên 16 viên đá tảng đục đẽo công phu, tỉ mỉ.

Nét đặc sắc của kiến trúc đền Nghè cũng thu hút sự chú ý của du khách. Đó là nghệ thuật chạm khắc trên gỗ, đá với các đề tài long, ly, quy, phượng; tùng, cúc, trúc, mai... Tất cả thể hiện kỹ thuật chạm khắc, chạm nổi, chạm chìm đạt đến trình độ tinh xảo của các nghệ nhân xây dựng đền.

Đến thăm đền, du khách được tìm hiểu về 2 vật tích độc đáo, đó là khánh đá và sập đá. Khánh làm bằng một tấm đá nguyên dày 5cm được tách ra thành hình chiếc khánh (có chiều cao 1m, rộng 1,6m). Mặt trước khánh khắc nổi 2 con rồng chầu mặt nguyệt và hình mây bay xung quanh. Mặt sau khánh khắc hình mây bay và sóng nước. Cả hai mặt có 2 núm tròn, lồi cao là chỗ để gõ. Được dịp nghe tiếng khánh đá trong ngân vang êm dịu, lan tỏa, du khách tĩnh tâm cảm nhận để hướng tới cõi tâm linh huyền ảo mà thiêng liêng. Sập đá đồ sộ, tạo bằng khối đá liền, chạm nổi hình chim, thú, hoa, lá rất công phu đem lại những điều thú vị về tài nghệ chạm khắc của nghệ nhân xưa. Ngoài ra, nơi đây lưu giữ tấm bia đá có kích thước lớn được tạc vào thời Nguyễn, ghi tiểu sử của nữ tướng Lê Chân.

Điều đáng mừng là sau khi tu bổ, tôn tạo những nét đẹp của đền được gìn giữ với diện mạo khang trang đáp ứng nhu cầu thăm viếng của nhân dân thành phố, du khách trong và ngoài nước./.

Nguồn: Báo Tây Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT