Ðầu tư Du lịch

Đắk Lắk: 150 tỷ đồng để bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số

Cập nhật: 06/12/2012 11:45:07
Số lần đọc: 6641
Văn hoá truyền thống, các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đang đứng trước thách thức lớn, có nguy cơ mai một do bị ảnh hưởng của kinh tế thị trường, của nền công nghiệp hoá-hiện đại hoá và sự hội nhập kinh tế toàn cầu.

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai hiệu quả các tiểu Đề án theo Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó thực hiện tốt công tác bảo tồn và nâng cao năng lực tự bảo vệ trước nguy cơ mai một văn hoá của các dân tộc thiểu số rất ít người, tạo điều kiện phát huy văn hoá các dân tộc thiểu số có số dân đông; bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

 

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 47 dân tộc anh cùng chung sống gồm các dân tộc bản địa Trường Sơn-Tây Nguyên: Ê đê, M’nông, J’ Rai, Ba Na, Xê Đăng, Mạ, Chăm, Bru-Vân Kiều, Lào, Khơ me… Bên cạnh đó còn có các dân tộc thiểu số phía Bắc: Mường, Thái, Tày, Nùng, Dao, Mông, Giáy, Sán Dìu, Sán Chay, Hà Nhì… và dân tộc Kinh từ các địa phương trong toàn quốc về sinh cơ lập nghiệp.

Theo đó, mục tiêu trong giai đoạn 1 (2012-2015) là: hoàn thành việc thống kê về giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số ở từng địa phương về văn hoá gia đình, văn hoá thôn, buôn (làng) các dân tộc thiểu số trên địa bàn; hoàn thành bộ chỉ số phát triển văn hoá dân tộc đến năm 2020; cơ bản đưa các dân tộc thiểu số rất ít người ra khỏi tình trạng các giá trị văn hoá có nguy cơ mai một cần được bảo vệ khẩn cấp và bước đầu phát huy di sản văn hoá tiêu biểu của các dân tộc; 90-100% thôn, buôn (làng) đồng bào dân tộc thiểu số có nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng, tự chủ chương trình hoạt động do chủ thể văn hoá tự thực hiện; định hình và triển khai việc xây dựng đời sống văn hoá tại các khu tái định cư của đồng bào các dân tộc thiểu số; 70-80% cán bộ làm công tác văn hoá tại vùng có đồng bào các dân tộc thiểu số là người của dân tộc mình (hoặc của dân tộc anh em có thời gian sinh sống lâu trên địa bàn, hiểu sâu về phong tục tập quán, văn hoá truyền thống của dân tộc bản địa) đã được bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn bảo tồn phát huy và tổ chức hoạt động văn hoá; mỗi huyện, thị xã, thành phố có đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển ít nhất 01 nghề truyền thống; các hoạt động văn hoá, nghệ thuật dân gian được định hướng phát huy; xây dựng mô hình làng văn hoá-du lịch đặc trưng góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội.

 

Đến giai đoạn 2 (2016-2020) mục tiêu được UBND tỉnh đề ra đó là: sẽ đẩy mạnh việc khai thác, phát huy tác dụng các di sản văn hoá trong xây dựng và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số; 90-100% số buôn, thôn (làng) có nhà sinh hoạt cộng đồng tự chủ chương trình hoạt động do chủ thể văn hoá tự thực hiện; 70-90 cán bộ làm công tác văn hoá ở vùng dân tộc thiểu số là người của dân tộc mình hoặc của dân tộc anh em sống trong địa bàn đã qua bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn bảo tồn, phát triển văn hoá; mỗi huyện có đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ, phát triển ít nhất 02 nghề truyền thống, hoặc xây dựng làng văn hoá - du lịch đặc trưng góp phần phát triển kinh tế - xã hội; các giá trị văn hoá đặc trưng của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; cơ bản hoàn thành việc bảo tồn khẩn cấp và phát huy các di sản văn hoá tiêu tiểu của các dân tộc thiểu số.

 

Được biết, Kế hoạch dự kiến được thực hiện với tổng kinh phí là 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá và nguồn vốn huy động xã hội hoá, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh./.

Nguồn: LangvietOnline

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT