Hành trang lữ khách

Du lịch có trách nhiệm

Cập nhật: 24/12/2012 13:58:59
Số lần đọc: 1938
“Đây là loại hình không còn xa lạ với các nước phương Tây, song tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, loại hình du lịch này vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu”, ông Kai Partale, chuyên gia Dự án Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do EU tài trợ, đã cho biết như vậy.

Du lịch có trách nhiệm được hiểu là trách nhiệm về kinh tế, xã hội và môi trường trong tất cả các lĩnh vực hoạt động du lịch, từ hoạch định chính sách đến quy hoạch, khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm, tổ chức kinh doanh và phục vụ khách du lịch. Phát triển loại hình du lịch này sẽ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội và môi trường, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân địa phương và tăng thu nhập cho các cộng đồng dân cư, cải thiện điều kiện làm việc và khuyến khích người dân tham gia vào quá trình quyết định những vấn đề ảnh hưởng tới sinh kế của họ, từ đó tác động đến ý thức cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn, gìn giữ các di sản tự nhiên và văn hóa.

 

Tại Đà Nẵng, du lịch có trách nhiệm thân thiện với môi trường và xã hội đang là một hướng đi mới mẻ. Vì vậy, các nhà làm du lịch và chính quyền địa phương cũng đang từng bước tiếp cận với loại hình này. Thời gian qua, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch tại Đà Nẵng cũng đã đưa vào chương trình những tour như đi bộ, đi xe đạp, xích lô… kết hợp với các hoạt động bảo vệ môi trường và nhận được sự hưởng ứng cao từ cộng đồng dân cư và du khách. Hay các tour ngắm voọc, câu cá, lặn ngắm san hô được Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng xây dựng và chuẩn bị đưa vào khai thác cũng góp phần giúp du khách ý thức hơn trong việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn môi trường sống hoang dã trên đất liền cũng như dưới biển. Và đó cũng chính là những hành động có trách nhiệm.

 

“Thực ra lâu nay, loại hình du lịch có trách nhiệm đã được các nhà hoạch định chính sách đến các DN du lịch lồng ghép trong các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, làng quê… nhằm bảo tồn tài nguyên, kéo cộng đồng vào cùng tham gia và hưởng lợi. Ngoài việc tổ chức các tour, tuyến gắn thiên nhiên, khơi gợi ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân và du khách, Đà Nẵng đang có những bước đi mới hơn, đó là việc xây dựng các điểm bán hàng, các loại hình dịch vụ hay việc chung tay chống chèo kéo du khách… nhằm thể hiện trách nhiệm với môi trường”, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho biết. Còn với anh Trần Xuân Mới, Tổng quản lý khách sạn Eden Đà Nẵng&Spa, cho rằng: Du lịch trách nhiệm không phải là một sản phẩm cụ thể nào cả, mà là người làm du lịch, đi du lịch và hưởng lợi từ du lịch phải thể hiện được trách nhiệm của mình với môi trường, cộng đồng và xã hội. Chúng tôi đưa ra các phần mềm quản lý năng lượng, quản lý rác thải… vào trong việc quản lý khách sạn nhằm giúp các nhân viên, thậm chí khách du lịch khi lưu trú tại khách sạn, có trách nhiệm hơn với môi trường và xây dựng ý thức tiết kiệm ngay trong chính bản thân du khách”.

 

Phát triển du lịch theo chiều sâu, đi vào chất lượng và hiệu quả, mang lại lợi ích cho xã hội, đặc biệt có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương và chính họ trực tiếp hưởng lợi từ những hoạt động du lịch đó, chính là mục tiêu mà thành phố Đà Nẵng đang hướng đến. Không những thế, chính du khách khi tham gia vào các tour du lịch trách nhiệm sẽ có những trải nghiệm thú vị khi có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, xã hội và môi trường bản địa, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa du khách và cộng đồng. “Chung quy lại, du lịch có trách nhiệm nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch bằng cách xây dựng, phát triển các hoạt động bền vững, thực hiện các tiêu chí của du lịch có trách nhiệm. Khi thực hiện được những sản phẩm du lịch phù hợp sẽ thu hút khách nước ngoài, tạo nhiều cơ hội cho dân địa phương hưởng lợi từ du lịch”, chuyên gia Kai Partale cho biết thêm./.

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Cùng chuyên mục