Hành trang lữ khách

Du hành về miền Đất Tổ - Phú Thọ

Cập nhật: 24/12/2012 09:27:15
Số lần đọc: 1290
Với hơn 1000 di tích văn hóa, lịch sử; 72 di tích cấp quốc gia và 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, Phú Thọ được xem là vùng đất " vàng" phát triển du lịch đặc biệt là du lịch tín ngưỡng tâm linh.

Được xem là vùng đất cổ, cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt, trung tâm sinh tụ của người Việt cổ, kinh đô Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước, ngành du lịch Phú Thọ đã xác định du lịch tâm linh hướng về cội nguồn là thế mạnh, với điểm nhấn là Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Năm 2011, Phú Thọ đón khoảng 6 triệu lượt khách tham quan, tăng 1,87%. Các cơ sở lưu trú, đón và phục vụ 470.000 lượt khách, tăng 18,98% so với năm trước. Khách quốc tế mới chỉ đạt 3.550 lượt khách, tập trung chủ yếu vào những dịp lễ hội, cuối năm. Tầm vóc của khu di tích lịch sử văn hóa Đền Hùng và vùng phụ cận có đủ các điều kiện cần và đủ để quy hoạch xây dựng thành khu du lịch đa năng làm tăng sức hấp dẫn của tour du lịch văn hoá về với cội nguồn.

Tìm hiểu các yếu tố tự nhiên của Đền Hùng gắn với Việt Trì kinh đô Văn Lang, đất cội nguồn, phát tích của dân tộc chứa đựng trong đó huyền thoại và lịch sử về một Nhà nước đầu tiên, kinh đô đầu tiên mới thấy nền văn hóa văn minh của buổi bình minh dựng nước vừa đơn nhất vừa đặc sắc mà chỉ khai thác riêng một khía cạnh này thôi đã hấp dẫn và thỏa mãn nhu cầu của du khách.

Tại Việt Trì - Đền Hùng chúng ta có các địa danh như Tiên Cát, Minh Nông, Dữu Lâu, Lầu Thượng, Lầu Hạ, Mộ Xy, Bảo Đà, Hương Trầm, Thậm Thình, Cẩm Đội của thời Hùng Vương. Mỗi địa danh gợi lại cho du khách nhớ lại những sự tích: Vua Hùng kén rể, dạy dân cấy lúa, vua Hùng đi săn, sự tích bánh trưng bánh dày, tích rước chúa gái về nhà chồng, hội bơi chải trên sông Lô, làn điệu hát Xoan, hát ghẹo. Qua tài liệu của các nhà nghiên cứu văn hoá thời đại Hùng Vương thì nếu lấy Đền Hùng làm tâm thì trong bán kính 20 km có tới 50 làng cổ và vượt ra ngoài phạm vi đó có tới trên 20 làng cổ khác mang những dấu ấn của thời đại Hùng Vương. Các làng cổ chứa đựng trong đó tập quán sinh hoạt cộng đồng, ngành nghề thủ công, đời sống vật chất, tinh thần, tín ngưỡng, phong tục tập quán của cư dân Lạc Việt nếu được phục dựng sẽ thu hút được du khách.

 

Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh Phú Thọ chứa đựng kho tàng truyền thuyết, huyền thoại, các lễ hội đình đám, các di tích lịch sử văn hoá của vùng đất phát tích. Trong đó Đền Hùng và vùng phụ cận được coi là đất thiêng chứa đựng hàm lượng văn hoá độc nhất vô nhị. Tầm vóc của khu di tích lịch sử văn hóa Đền Hùng và vùng phụ cận có đủ các điều kiện cần và đủ để quy hoạch xây dựng thành khu du lịch đa năng làm tăng sức hấp dẫn của tour du lịch văn hoá về với cội nguồn.

Để phát triển hoạt động du lịch, khai thác tốt hơn những tiềm năng, tỉnh hiện đang tập trung khảo sát các tuyến điểm du lịch tại những địa phương có tiềm năng du lịch lớn nhưng chưa được khai thác tương xứng để xây dựng các tua, tuyến, điểm du lịch mới, các sản phẩm du lịch mới. Tăng cường quảng bá giới thiệu rộng rãi hơn với đối tác trong nước và nước ngoài các dự án đầu tư tại công viên Văn Lang; nước khoáng nóng Thanh Thuỷ, hồ Ao Châu (Hạ Hòa)...

 

Tại khu di tích lịch sử văn hóa Đền Hùng, rất nhiều chuyên gia cho rằng cần phải xây dựng thành một lãnh địa hành hương và du lịch thường nhật. Khu vực coi là lãnh địa hành hương ở Đền Hùng (núi Nghĩa Lĩnh) có các di tích đền chùa, tuy không quá đồ sộ, không quá cầu kỳ về kiến trúc, song đó lại là những giá trị đích thực chính là khu vực cần được bảo tồn nghiêm ngặt. Tại đây cần hết sức tránh hiện đại hóa di tích, chạy theo thị hiếu của du khách. Hiện đại hóa di tích, trái nguyên tắc bảo tồn, sẽ làm mất đi giá trị đích thực của di tích, không bao giờ có thể lấy lại được.

Ngoài khu bảo tồn nghiêm ngặt nên quy hoạch khu du lịch đa năng nhằm thoả mãn nhu cầu vui chơi giải trí, đến với thiên nhiên xanh, ẩm thực của du khách. Đầu tư tạo cho cảnh sắc thêm sinh động, hấp dẫn, nhiều loại hình sản phảm vừa nuôi sống được các hoạt động của nó, lại vừa phục vụ được ý nguyện của con người, thỏa mãn được nhu cầu tinh thần của họ trong hành trình về nơi cội nguồn văn hóa dân tộc. Cần tổ chức một hệ thống dịch vụ du lịch văn hóa độc đáo, tái tạo lễ nghi, phong tục thời Hùng Vương.

Đền Hùng hiện đang được trồng nhiều cây xanh, song hiện mới chỉ quan tâm trồng cây hoa, cây lấy gỗ bản địa mà hiếm có các loại cây ăn quả. Nên chăng quy hoạch tập trung trồng các đồi cây ăn quả quý đặc trưng vùng Trung du miền núi. Lựa chọn, lai tạo những giống cây cho quả ngon như cây mít, sấu, trám đen, trám trắng, sồi... là những cây bản địa hợp thổ nhưỡng tại đây vừa làm phong phú hệ sinh thái, vừa cho quả làm quà quý cho du khách, lâu dài lấy gỗ phục vụ tôn tạo tu bổ di tích./.

Nguồn: website NLD

Cùng chuyên mục