Đặc sắc đám cưới đồng bào Thái
Trong lễ cưới truyền thống của người Thái, nhà trai phải 3 lần làm lễ đi hỏi vợ. Lần thứ nhất gọi là lễ "chóm mia" (chạm ngõ); lần thứ hai là lễ "khắt cằm kin khươi" (ăn hỏi); ở lần này, lễ vật mang theo chủ yếu là trầu cau. Lần thứ ba là lễ "tỏn mia" (đón vợ); vào ngày lễ này, nhà trai dậy sớm mổ bò, mổ trâu, chuẩn bị các lễ vật đem sang nhà gái bao gồm: lợn hơi, gạo nếp, rượu, gà, cá suối sấy khô bỏ trong giỏ nan đan hình mắt cáo, ống “bẳng nhứa” (ống thịt), phải chọn thịt nạc ướp cùng muối, nhồi vào ống tre để khao “lúng ta” (cậu bên ngoại); gói “xí hó, khát pú” (4 gói trầu rừng) ăn cùng với rễ cây “co hát” (lá trầu lấy ở rừng về gọi là “co tói”), loại trầu này không ăn với vôi, vì ăn vôi, sợ con cháu nóng bỏng.
Cũng trong lễ “tỏn mia” nhà trai còn mang đến món cá chua và bánh chưng. Cá chua là món thể hiện sự khéo léo, tài giỏi của người con trai Thái. Nếu là chàng rể tài giỏi bao giờ cũng bắt được cá to dưới con sông, con suối. Cá được đem về để khô, thái thành lát rồi nhồi vào ống vầu, ống nứa. Sau 1 tuần, cá sẽ có vị chua dịu, thơm ngon. Phía nhà gái sau khi được nếm thử món cá chua cũng có thể đoán được chàng rể có phải là “cái cây to”, là “thân gỗ chắc” cho con gái mình leo dây, bén rễ hay không. Hay như món bánh chưng cũng thể hiện sự công phu, khéo léo của người làm bánh.
Bánh chưng của người Thái được làm từ gạo nếp và nhân thịt, không có đậu xanh. Bánh được gói bằng lá dong nhưng lại gói tròn như bánh tét. Người khéo tay, cẩn thận là người gói bánh tròn đầy, dễ làm vừa lòng, đẹp ý người thưởng thức.
Và một nghi lễ không thể thiếu trong đám cưới truyền thống của người Thái, đó là lễ “tằng cẩu” (búi tóc ngược). Vào hôm làm lễ “tằng cẩu” nhà trai sẽ cử một đoàn sang nhà gái gồm những thiếu nữ trẻ đẹp và các thiếu phụ khỏe mạnh, tháo vát, thông thạo động tác búi tóc ngược cho cô dâu mới.
Phía nhà gái cũng có số người tương ứng, trong đó có hai thiếu nữ làm phù dâu, thường là bạn thân của cô dâu. Đồ sính lễ búi tóc được bố mẹ chồng đưa sang thường gồm: hai búi tóc độn, châm cài tóc bằng bạc, vải trắng tự dệt, vải thổ cẩm, thắt lưng và tiền. Tặng phẩm của bố mẹ trao cho con gái trong lễ búi tóc gồm: vải trắng tự dệt, vải thổ cẩm, tiền, một cái lược, một bát nước lã... Trong lễ “tằng cẩu”, “nai cẩu” (người được chọn búi tóc cho cô dâu) sẽ hát những lời dặn dò và chúc phúc cho cô dâu, chú rể: "Mái tóc dài, chải cho mượt. Búi ngược lên thành “tằng cẩu”. Từ nay về sau, người đã có chồng, nước không đổi dòng, lòng không đổi hướng, con ơi…".
Đám cưới của người Thái thường diễn ra trong hai lần. Lần thứ nhất, nhà trai, nhà gái đều có mặt đông đủ. Ngoài chú rể, nhà trai còn mang theo một chàng “rể phụ” đến nhà gái. Tất cả mọi người lưu lại nhà gái trong một ngày rồi ra về. Riêng chú rể được ở lại thêm 2 ngày đến 1 tuần. Sau đó, nhà gái đưa cô dâu đến ở lại nhà trai trong khoảng thời gian tương ứng. Trong khoảng thời gian này, cha, mẹ hai bên đều có cơ hội hiểu biết về con dâu, con rể tương lai của mình.
Nghi lễ ở lần cưới thứ nhất, cô dâu, chú rể chỉ bái cha, mẹ và khi ở rể, chú rể phải đội khăn trên đầu, còn cô dâu sang nhà chồng phải đội nón. Lễ cưới lần hai được tổ chức sau đó 1 - 2 năm. Trong lần cưới trọng đại này, cô dâu, chú rể được mặc lễ phục truyền thống đẹp nhất của dân tộc Thái.
Đây cũng là lúc cô dâu mang về nhà chồng những tấm chăn nệm mà mình đã kỳ công dệt từ khi còn con gái. Đám cưới được tổ chức trong ba ngày liên tiếp, tất cả cùng nhau uống rượu xòe, "khắp" tưng bừng. Đồng thời, đôi trai gái chính thức trở thành chồng vợ và về sống với nhau.
Khác với lễ cưới truyền thống, lễ cưới của người Thái ngày nay đã có nhiều thay đổi, ảnh hưởng và có sự giao thoa trong văn hóa cưới hỏi. Nghi thức cưới truyền thống đã không còn tổ chức cầu kỳ, tốn kém. Lễ hỏi và lễ cưới thường được tổ chức gộp một lần…
Tuy vậy, với những nét đặc trưng về văn hóa, lễ cưới truyền thống của đồng bào dân tộc Thái đã góp phần làm đặc sắc văn hóa vùng cao và phong phú kho tàng văn hóa của dân tộc Việt./.