Hoạt động của ngành

Hà Nội mang làng “nghệ sỹ nông dân” đến với du khách

Cập nhật: 05/01/2013 10:14:38
Số lần đọc: 3808
Trong vòng 2 tháng (từ 27/12/2012 - 27/2/2013), Ban quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa chào mừng Xuân Quý Tỵ 2013 tại một số điểm di tích trên khu phố cổ Hà Nội. Những hoạt động văn hóa này vừa góp phần tôn vinh giá trị các di sản văn hóa đặc trưng của Hà Nội, khơi dậy ý thức bảo tồn phát huy giá trị di sản của người dân phố cổ, đồng thời làm phong phú và tăng thêm sức hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Tại đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc) đã diễn ra cuộc triển lãm, trưng bày những bức tranh của các “họa sỹ nông dân” ở làng Cổ Đô (xã Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội). Họ, những người nông dân thứ thiệt trên đồng ruộng, nhưng hễ cứ buông tay cày, tay cuốc thì lại say mê cầm cọ vẽ. Họ vẽ từ cổng làng, cổng đình, cổng chùa, đến chân dung, cây cảnh, con vật...

 

Những bức tranh nhiều màu sắc, gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, lao động và học tập của chính những người nông dân đã mang đến cho du khách trong và ngoài nước những cảm nhận, cảm xúc khác nhau trong từng tác phẩm hội họa. Từ những bức tranh của cố họa sỹ Sĩ Tốt, người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho nền hội họa của làng Cổ Đô, đến tranh của các thế hệ con, cháu, chắt của ông vẽ nên... Không chỉ được xem tranh, đến đây du khách còn được giới thiệu những thông tin về lịch sử ra đời của làng nghề Cổ Đô, một làng quê chỉ có 800 hộ dân, nhưng lại có tới hàng trăm “họa sỹ nông dân”, 30 họa sỹ chuyên nghiệp, trong đó có 16 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam... Ở Cổ Đô hiện nay, mỗi họa sỹ đều có một phòng tranh nhỏ tại nhà, nhiều người có phòng triển lãm tranh tại Hà Nội. Làng cũng mở nhiều lớp học vẽ rất độc đáo, là nơi ươm mầm các tài năng hội họa Cổ Đô... Đến đây, du khách cũng được tìm hiểu thêm về họa sỹ Sĩ Tốt - ông tổ nghề vẽ của làng, một trong những họa sỹ tài danh của nền mỹ thuật Việt Nam, đã truyền lửa hội họa cho con cháu. Đến nay, gia đình ông đã lập một bảo tàng mang tên “Sĩ Tốt và gia đình” ngay tại quê hương để trưng bày các tác phẩm của ông, phục vụ các thế hệ sau và du khách khi đến thăm Cổ Đô.


Ghé đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), du khách lại được ngắm nhìn những bức ảnh tuyệt đẹp của các nghệ sỹ nhiếp ảnh làng ảnh truyền thống Lai Xá (xã Lai Xá, Hoài Đức, Hà Nội). Không chỉ được chiêm ngưỡng những bức ảnh, du khách sẽ được giới thiệu cách chụp của thợ Lai Xá xưa, giới thiệu về lịch sử làng nghề, về quá trình đến với nghề ảnh cụ Nguyễn Đình Khánh, ông tổ của làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, và được xem cả những chiếc máy ảnh cổ được sử dụng chụp ảnh từ những năm 1930, những dụng cụ thô sơ để làm ảnh xưa của người Lai Xá... Rồi khi dừng chân ở Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây), du khách sẽ được giới thiệu và tìm hiểu về dòng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội)...

 

Những du khách trong và ngoài nước khi ghé xem những triển lãm, trưng bày này đều thấy lạ lẫm và rất thích thú với những hoạt động này, nhất là khi tận mắt chứng kiến những “nghệ sỹ nông dân” vẽ những bức tranh rất đẹp ngay tại khu vực trưng bày triển lãm. Chị Caterlin, du khách đến từ nước Anh cho biết, chị rất ngạc nhiên khi biết ở Việt Nam có những làng nghề độc đáo đến vậy, đặc biệt đó lại là làng nghề nghệ thuật hội họa.


Trao đổi về mục đích, ý nghĩa của các hoạt động văn hóa đặc biệt này, ông Phạm Tuấn Long, Phó trưởng ban thường trực, Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: Ban quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức giới thiệu những làng nghề nghệ sỹ này với công chúng, là nhằm giới thiệu những đặc trưng của văn hóa Hà Nội, giới thiệu sự đam mê nghề truyền thống gắn với đam mê nghệ thuật của chính những người nông dân Việt Nam. Cũng theo ông Long, các hoạt động văn hóa này, nhằm tôn vinh giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể Hà Nội, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, giá trị văn hóa đặc trưng của người Hà Nội, đồng thời làm phong phú và tăng thêm sức hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước./.

Nguồn: Báo Tin Tức

Cùng chuyên mục