Tục lệ cưới xin của người Phù Lá
Hôn nhân qua ông mối
Trai gái dân tộc Phù Lá đến tuổi trưởng thành không bị cha mẹ ép duyên, được tự do tìm hiểu trước hôn nhân. Khi chàng trai tìm được cô gái vừa ý, buổi tối người con trai thường đến chơi nhà bạn gái, sau khi người con gái đã ưng thuận thì người con trai có thể ngủ lại ở gian khách, đó là nơi dành cho những người chưa vợ chưa chồng, như vậy bố mẹ người con gái cũng biết mặt con rể tương lai vì cô gái đã đồng ý cho chàng trai ngủ tại nhà mình.
Sau đó, chàng trai về nhà thông báo với bố mẹ và xin ý kiến. Nếu đồng ý, bố mẹ chàng trai sẽ nhờ ông mối đến nhà cô gái để thưa chuyện. Ông mối đến nhà cô gái và ngồi cạnh cửa ra vào ăn trầu và hút thuốc lá rồi nói: “Hôm nay ngày lành tháng tốt, tôi về hỏi thăm ông bà, con trai, con gái đã gặp nhau rồi. Bây giờ dù giàu hay nghèo cũng cần có một bữa cơm mời bà con làng xóm để cho chúng thành vợ thành chồng”. Bố mẹ cô gái không trả lời gì, ông mối cũng không được lấy bất kỳ cái gì của nhà gái rồi ra về.
Mười ngày sau, ông mối lại sang nhà gái nói: “Hai đứa trai gái đã yêu nhau rồi, thế nào cũng phải lấy nhau, không thể bỏ nhau được đâu”. Nói xong ông đứng lên và về ngay không đợi nhà gái trả lời.
Mười hai ngày sau ông mối lại sang nhà gái và mang lễ vật gồm có tiền, hai con gà một trống một mái, hai ống rượu bỗng và một vòng tai. Nhà gái làm cơm để tiếp ông mối, trong bữa cơm ông mối nói: “Con trai, con gái không bỏ nhau được nữa, phải cho chúng lấy nhau”. Bên nhà gái trả lời đồng ý, sau đó ông mối và bố mẹ cô gái bàn về ngày cưới và lễ vật cưới.
Lễ vật cưới gồm có 2 lễ, một lễ để biếu bố mẹ cô gái, một lễ biếu họ hàng nhà gái gồm có tiền, bạc trắng, thịt ống, thịt gói, rượu, bánh dày. Sau đó đám cưới có thể tổ chức sau một, hai năm. Theo tập quán dân tộc Phù Lá, cô dâu về ở nhà chồng.
Phân biệt đám cưới qua vết nhọ nồi
Đến ngày cưới đã định, ông mối cùng một số người nhà trai sang nhà gái, tới đầu bản ông mối phải uống hết 12 bát rượu và nhà gái lấy 12 ống nước vẩy ướt đoàn nhà trai trừ ông mối. Sau đó đoàn nhà trai đi đến sân nhà gái thì đốt lửa sưởi cho khô người. Trước khi lên nhà đoàn nhà trai phải hát đối để được vào nhà và đưa cô dâu về. Vào nhà ông mối trao lễ vật cho nhà gái và nhà trai tổ chức một bữa cơm thân mật tại nhà gái. Trong đám cưới họ buộc chỉ trắng vào cổ tay cô dâu, chú rể và phù dâu, phù rể.
Buổi chiều là nhộn nhịp nhất trong đám cưới, nhà trai dâng lên bố mẹ cô gái hai bát rượu và một mâm thịt để xin ra về. Bố mẹ cô gái biếu ông mối một đùi lợn và dặn ông mối: “Con gái tôi không còn là của gia đình tôi nữa, nó là người của nhà chồng, nhà chồng phải dạy bảo nó”. Sau đó bố mẹ cô gái tặng của hồi môn cho con mình mang về nhà chồng, thường có một con lợn, 30 cân thóc giống, một con dao, một cái chum, một cái cào cỏ và những gì cô gái tự tay làm ra cô đều được mang về nhà chồng.
Sau tất cả những nghi thức đó, bố mẹ cô gái đi ra ngoài, đóng cửa lại, đoàn nhà trai bị nhốt trong nhà, muốn mở cửa, ông mối phải uống hết 12 bát rượu như lúc trước khi đến nhà gái vào buổi sáng. Rồi cửa được mở ra, 10 người nhà trai cùng 10 người nhà gái giằng co cô dâu 3 lần, cũng khi ấy, nhà gái lấy nhọ nồi bôi đen mặt những người trong đoàn nhà trai, bố mẹ vợ bôi đen mặt ông mối. Người Phù Lá cho rằng bôi mặt như vậy để phân biệt đám cưới khác với đám ma.
Không thể thiếu tiếng kèn Pí lè
Trong lễ cưới của người Phù Lá, không thể thiếu tiếng kèn Pí lè của nhà trai. Người Phù Lá cho rằng đám cưới là nghi lễ trọng đại và vui mừng nhất của cuộc đời mỗi con người, nên trong lễ cưới phải có tiếng kèn đưa sang nhà gái để thể hiện tính thiêng liêng của lễ xin dâu và họ thổi các bài kèn như trên đường đi đón dâu, đến nhà cô dâu, đưa cô dâu ra khỏi cửa và đón cô dâu về nhà chồng.
Trên đường sang nhà gái rước dâu và lúc đưa cô dâu về nhà, đội kèn của nhà trai luôn đi trước, người Phù Lá quan niệm xua đi mọi sự cản trở trên đường để cô dâu về nhà chồng trong sự may mắn, bình an. Khi rước dâu đến cửa nhà trai, đội kèn đứng trước cửa để cô dâu, chú rể làm lễ trong sân rồi vào nhà làm lễ trước bàn thờ tổ tiên. Đến 12 ngày sau, con rể, con gái mang một ống thịt, một ống rượu đến để lại mặt bố mẹ vợ.
Hiện nay, cùng với đời sống khấm khá hơn, nếp sống mới lan tỏa đến từng bản làng nên một số nghi thức lạc hậu, tốn kém lãng phí dần được thay thế và bãi bỏ, điều đó góp phần tích cực trong cuộc chiến chống đói nghèo của người dân tộc thiểu số vùng cao./.