Phát huy tiềm năng du lịch Tây Nguyên - Nam Trung Bộ
Tuy nhiên, trên thực tế, sự gắn kết về du lịch giữa các địa phương còn khá lỏng lẻo, chưa khai thác hết tiềm năng của vùng, hay đúng hơn là núi chưa thực sự gắn với biển.
Khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên sở hữu những điều kiện tự nhiên vô cùng phong phú, đa dạng về biển, đảo, núi, rừng, đầm, vịnh, sông, suối, thác... với thời tiết thuận lợi để phát triển nhiều lọai hình như du lịch biển, du lịch tham quan nghỉ dưỡng ở các vùng núi và cao nguyên, du lịch dã ngọai vùng rừng nguyên sinh, du lịch mạo hiểm… Đây cũng là nơi có những điểm du lịch, những danh thắng hàng đầu quốc gia và được quốc tế biết tới như Nha Trang, Cam Ranh, Tuy Hòa, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Phan Thiết-Mũi Né, Phan Rang-Ninh Chữ-Cà Ná…
Tại các điểm du lịch trong vùng có vô số những di tích lịch sử, văn hóa, công trình kiến trúc, vườn quốc gia, khu bảo tồn, địa điểm tham quan độc đáo, nổi tiếng để thu hút du khách đến vui chơi, tham quan, nghỉ dưỡng.
Nhiều năm trước, các tour du lịch liên tỉnh, tour từ biển lên rừng, từ núi xuống biển cũng đã được đưa vào khai thác như Đà Lạt-Nha Trang, Đà Lạt-Phan Rang-Phan Thiết, Phan Thiết-Phan Rang, Mũi Né-Cà Ná, Mũi Né-Ninh Chữ... Tuy nhiên, các tour này chủ yếu là do các công ty du lịch lữ hành tự thiết kế và kinh doanh chứ chưa hình thành một hệ thống tour liên kết do chính các địa phương “bắt tay” nhau thực hiện.
Tại hội nghị hợp tác các tỉnh Nam Trung Bộ-Tây Nguyên vừa qua, ông Nguyễn Xuân Tiến - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã thẳng thắn nhìn nhận: “Dịch vụ du lịch của khu vực còn nhiều hạn chế, tour thiếu liên kết, việc gắn kết các địa phương, các điểm du lịch còn lỏng lẻo, chưa giới thiệu, quảng bá hết tiềm năng của các địa phương và của cả khu vực, biển chưa gắn với núi.”
Vì vậy, trọng tâm được các tỉnh Tây Nguyên-Nam Trung Bộ xác định trong liên kết phát triển du lịch là ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch mới; liên kết xây dựng các tour, tuyến du lịch; kết nối du lịch Tây Nguyên với vùng biển, đảo; xây dựng các tour du lịch chung cho các tỉnh theo nhiều lọai hình, quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách và khai thác thế mạnh du lịch mỗi địa phương. Ngành du lịch và công thương của các tỉnh sẽ hợp tác nghiên cứu đề xuất các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển du lịch, thương mại thông qua các hình thức: hợp tác tổ chức các lễ hội, trao đổi, tọa đàm về du lịch, thương mại; thường xuyên trao đổi thông tin về cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, giá cả…
Hiệp hội du lịch các tỉnh sẽ phối hợp đề xuất chính sách, phương thức ưu đãi cho khách du lịch theo tour, tuyến du lịch đã được kết nối.
Theo ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên, “liên kết để giúp nhau, trên cơ sở thế mạnh của từng tỉnh được phát huy và bổ trợ cho nhau.” Do đó, việc kết nối mạng lưới không gian du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ-Tây Nguyên cần tạo lập chuỗi sự kiện có quy mô lớn của các tỉnh trong năm để thu hút du khách: Lễ hội cá ngừ đại dương Phú Yên, Festival Biển Nha Trang, Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội trà Lâm Đồng, Lễ hội biển Phan Thiết…
Các tỉnh cần thống nhất về mặt thời gian tổ chức để tránh tình trạng diễn ra cùng lúc. Khi một tỉnh tổ chức sự kiện thì cần có sự kết nối các tour với các địa phương khác trong vùng để có thể tận dụng tối đa các nguồn khách.
Một nội dung quan trọng được các tỉnh trong khu vực xác định sẽ tập trung đầu tư hơn nữa là phát triển, nâng cấp các hệ thống giao thông bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không để đáp ứng nhu cầu của du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường liên tỉnh, tỉnh lộ trong vùng, dự kiến trong thời gian tới các tỉnh sẽ đề xuất xây dựng, nâng cấp các tuyến đường sắt từ Tuy Hòa đến Buôn Ma Thuột, tuyến từ Phan Rang-Tháp Chàm đến Đà Lạt.
Ngoài ra, các tỉnh cũng sẽ hợp tác sử dụng các sân bay dân sự trong vùng như sân bay Tuy Hòa, sân bay quốc tế Cam Ranh và đề xuất nâng cấp sân bay Liên Khương, sân bay Buôn Ma Thuột lên thành sân bay quốc tế.
Việc chú trọng nâng cấp hạ tầng, mạng lưới giao thông là một hướng đi đúng và thiết thực của các tỉnh trong khu vực để tạo sự đi lại thuận lợi, phát triển du lịch, thu hút thêm lượng du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là lượng khách đến từ thị trường trọng điểm Đông Nam Bộ-Thành phố Hồ Chí Minh./.