Hoạt động của ngành

Lào Cai: Phát huy lợi thế văn hóa dân tộc

Cập nhật: 15/01/2013 08:50:04
Số lần đọc: 4174
Đề án “Phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc các dân tộc” được triển khai trong những năm qua đạt nhiều kết quả, đời sống tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và điều quan trọng nhất là bản sắc văn hóa các dân tộc luôn được giữ gìn, phát huy.

Ðây là bước tạo đà quan trọng cho sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Với đặc thù là địa phương có tới 80% dân số sống ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, có nhiều phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa cần được giữ gìn, phát huy giá trị, vì thế tỉnh đã chỉ đạo tập trung nguồn lực, huy động các cấp, ngành đồng bộ triển khai thực hiện Ðề án, tạo bước phát triển mới về văn hóa và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Ðề án đã nhận được sự lãnh đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HÐND, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, có sơ kết, tổng kết thực tiễn và động viên, khen thưởng kịp thời. Kết quả của Ðề án không chỉ tạo cho phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở các khu dân cư được đẩy mạnh mà còn là kết quả lớn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; cải tạo tập quán thả rông gia súc; bảo tồn, khai thác và phát triển văn hóa các dân tộc.

 

Từ cơ chế, chính sách, sự chỉ đạo của tỉnh, cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, sự ủng hộ của bà con các dân tộc, Ðề án đã thu được nhiều kết quả. Tại các địa bàn vùng cao trong tỉnh, tình trạng tảo hôn, thách cưới mang tính gả bán, ăn uống dài ngày đã cơ bản được khắc phục. Không còn tình trạng người chết để lâu ngày, không cho người chết vào áo quan, tổ chức ăn uống dài ngày... Cán bộ, đảng viên đã gương mẫu đi đầu thực hiện và tích cực vận động nhân dân làm chuồng trại kiên cố, vừa tránh rét cho gia súc vừa gắn với việc thực hiện vệ sinh môi trường. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa được đẩy mạnh, hằng năm có 80% số gia đình đạt văn hóa, 45% thôn, bản văn hóa, thiết chế văn hóa được quan tâm. Tỉnh cũng đã tập trung nguồn lực để xây dựng hàng trăm nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố.

 

Ðồng chí Nguyễn Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Trong những năm qua, ngành đã tiến hành điều tra nhu cầu của du khách quốc tế, theo đó có tới 80% du khách đến Lào Cai có nhu cầu trải nghiệm và chiêm ngưỡng các di sản văn hóa các dân tộc. Từ đó, Ðề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đã hướng vào nghiên cứu các di sản về kiến trúc, trang phục, nghề thủ công, lễ hội, đặc điểm sinh hoạt văn hóa, để xây dựng thành các sản phẩm du lịch. Kết quả của đề án thể hiện cụ thể ở việc ra đời các mô hình du lịch cộng đồng tại huyện Sa Pa, Bắc Hà với các điểm du lịch văn hóa cộng đồng như: Bản Dền, Tả Van, Thanh Kim, Tả Phìn... Các mô hình này đã góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.  

 

Mường Khương với lợi thế khí hậu trong lành, rừng nguyên sinh, chợ văn hóa đặc sắc, những nếp nhà tường trình của đồng bào Mông còn giữ nguyên bản sắc truyền thống cũng đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Huyện đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế nhằm phát huy tiềm năng, biến di sản văn hóa trở thành tài sản du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.

 

Những kết quả tích cực từ các địa phương khẳng định Ðề án "Phát triển văn hóa, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc" đã thực sự đi vào cuộc sống, đã khôi phục và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo thành nguồn lực phát triển du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả. Trong thời gian tới, để Ðề án tiếp tục phát huy hiệu quả, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương tiếp tục triển khai tích cực, lâu dài, mang lại giá trị bền vững./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục