Ấn tượng cảnh đẹp hồ Sơn Rái, núi đá Chồng ở Quảng Ngãi
Nằm trên địa hình trung du thuộc xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh), hồ Sơn Rái như nàng tiên xanh bình yên trong giấc ngủ. Còn núi Đá Chồng như chàng trai bốn mùa gọi gió kêu mưa cho nước hồ luôn đẹp. Nơi đây thiên nhiên có pha một chút bàn tay con người kiến tạo để nên cảnh đẹp Sơn Rái - Đá Chồng ấn tượng.
Hồ Sơn Rái diện tích cả quần thể hơn 10 ha, lòng hồ chứa nước chiếm khoảng 5 ha. Bao bọc các mặt là núi, mặt nam của hồ được ngăn bởi đập nhân tạo đã có từ xưa do biện pháp trị thủy của con người. Sau năm 1975, bờ đập được đắp to và cao, nâng sức chứa của hồ đến gần 3 triệu mét khối nước. Hồ nằm ở vị trí thôn Khánh Mỹ, nhận nước từ ba nhánh chính chảy về hồ và có hai nhánh dẫn nước tưới cho đồng ruộng Trà Bình, Khánh Mỹ. Đứng trên đập nước nhìn trực diện với hồ, ấn tượng đầu tiên là sự êm ả của màu xanh và mặt nước phẳng lặng. Chân núi nhô ra mặt hồ, rồi mấy khe nước lớn lại kéo hồ vào trong núi như duyên tình non nước không thể chia xa. Lòng hồ không lớn lắm nhưng kiểu dáng của nó giống Biển Hồ của Thành phố Pleiku.
Phía nam sát với hồ là núi Đá Chồng, trên đỉnh có cụm Đá Chồng, liền dải với núi Giông Tranh và núi Cà Ty. Đá Chồng và Cà Ty là những di tích kháng chiến cấp tỉnh. Khám phá cụm Đá Chồng, mới biết gồm nhiều hòn to bằng ngôi nhà chồng lên nhau. Có chỗ như ghép liền, có chỗ để lộ khe hở. Người địa phương giới thiệu đường lên trời, đường xuống đất, bàn cờ Tiên, giếng Tiên.
Theo đường lên trời tới đỉnh núi rồi thả tầm nhìn tứ phía, du khách sẽ quan sát được nhiều khu vực lân cận, kể cả thành phố Quảng Ngãi ở cách xa mấy chục cây số. Bàn cờ tiên là tảng đá nằm rời một bên cụm đá chính, bằng phẳng như bàn cờ, tương truyền là nơi tiên ông đánh cờ. Đặc biệt, giếng Tiên từng dệt nên câu chuyện thần kỳ, rằng mỗi năm vào đêm rằm tháng bảy, tiên nữ giáng trần tắm nơi giếng ấy. Mà cũng lạ thật, giữa bề mặt một tảng đá trên đỉnh núi lại có ao nước đường kính hơn hai mét. Người địa phương cho biết vào mùa mưa nước tràn qua miệng thì giếng sâu chừng một thước. Mùa hạ lúc nắng hạn nhất giếng vẫn còn nước sâu hơn hai tấc. Chẳng biết do sương đọng thành nước, mạch ngầm trong tảng đá lộ thiên, hay từ một nguồn nước "kỳ bí" nào chăng?
Khu vực Đá Chồng-Sơn Rái từng lưu lại trong ký ức quê hương chuyện tú tài Nguyễn Văn Danh quyết bắt hổ trả thù cho cha bởi con hổ ấy đã vồ chết cha ông. Từ con đường lớn Dung Quất - Bình Long - Trà Bồng trong kế hoạch có đoạn rẽ vào Sơn Rái. Đối với địa phương, trong đề án xây dựng nông thôn mới có tuyến đường bê tông dẫn vào khu di tích thắng cảnh này. Suy nghĩ của lãnh đạo xã Tịnh Trà có thể tổ chức ngày hội đua thuyền trên hồ Sơn Rái vào dịp tết. Đó cũng là cách phát huy ưu thế địa phương, khuyến khích gìn giữ vốn quí văn hóa dân gian và tạo khí thế sôi nổi cho vùng bán sơn địa âm vang tiếng gọi mùa xuân về./.
Theo đường lên trời tới đỉnh núi rồi thả tầm nhìn tứ phía, du khách sẽ quan sát được nhiều khu vực lân cận, kể cả thành phố Quảng Ngãi ở cách xa mấy chục cây số. Bàn cờ tiên là tảng đá nằm rời một bên cụm đá chính, bằng phẳng như bàn cờ, tương truyền là nơi tiên ông đánh cờ. Đặc biệt, giếng Tiên từng dệt nên câu chuyện thần kỳ, rằng mỗi năm vào đêm rằm tháng bảy, tiên nữ giáng trần tắm nơi giếng ấy. Mà cũng lạ thật, giữa bề mặt một tảng đá trên đỉnh núi lại có ao nước đường kính hơn hai mét. Người địa phương cho biết vào mùa mưa nước tràn qua miệng thì giếng sâu chừng một thước. Mùa hạ lúc nắng hạn nhất giếng vẫn còn nước sâu hơn hai tấc. Chẳng biết do sương đọng thành nước, mạch ngầm trong tảng đá lộ thiên, hay từ một nguồn nước "kỳ bí" nào chăng?
Khu vực Đá Chồng-Sơn Rái từng lưu lại trong ký ức quê hương chuyện tú tài Nguyễn Văn Danh quyết bắt hổ trả thù cho cha bởi con hổ ấy đã vồ chết cha ông. Từ con đường lớn Dung Quất - Bình Long - Trà Bồng trong kế hoạch có đoạn rẽ vào Sơn Rái. Đối với địa phương, trong đề án xây dựng nông thôn mới có tuyến đường bê tông dẫn vào khu di tích thắng cảnh này. Suy nghĩ của lãnh đạo xã Tịnh Trà có thể tổ chức ngày hội đua thuyền trên hồ Sơn Rái vào dịp tết. Đó cũng là cách phát huy ưu thế địa phương, khuyến khích gìn giữ vốn quí văn hóa dân gian và tạo khí thế sôi nổi cho vùng bán sơn địa âm vang tiếng gọi mùa xuân về./.
Nguồn: Báo Quảng Ngãi