Mâm cỗ Kin Pá ngày Tết của người Thái
Sau một năm làm việc vất vả, mỗi khi Tết đến xuân về, bà con lại tất bật chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, quần áo mới, chuẩn bị cành đào, cây nêu, mâm ngũ quả, đĩa cau trầu và lương thực thực phẩm để làm cỗ Tết. Ngày 30 tết, theo tục lệ, tất cả các thành viên trong gia đình người Thái đều đi gội đầu, và bếp phải đỏ lửa không được tắt. Tục lệ này mang ý nghĩa tống tiễn những điều không may mắn trong năm cũ, nghênh đón niềm vui, hạnh phúc trong năm mới sắp đến.
Để chuẩn bị cho mâm cỗ ngày tết, trước ngày 30 tháng Chạp, những người đàn ông trong gia đình phải ra sông, suối hoặc ao hồ đánh bắt cá. Người ta chọn con cá to nhất xẻ từ sau lưng, làm sạch ruột và xiên vào que tre rồi đưa vào bếp than nướng chín, gọi là cá đầu cỗ hay cá đầu mâm. Những con cá nhỏ hơn để nguyên cả con gói vào lá dong, lá chuối rồi cho vào nồi hông, một số con thì được giã nhuyễn cùng với hành, gạo nếp, cây chuối rừng dùng để làm moọc. Thường thì những công việc như bắt cá, làm cá, làm gà, làm thịt lợn đều được người đàn ông trong gia đình đảm nhiệm, những người phụ nữ trong gia đình thường đảm nhận nhiệm vụ đồ xôi, gói bánh, gói moọc. Trong mâm cỗ của người Thái không thể thiếu món cá để dâng lên tổ tiên, thần linh.
Ngoài món cá, các loại bánh chưng, bánh sừng trâu, bánh chưng to được làm thành một đôi để cầu cho ai cũng có đôi, có lứa, gia đình hạnh phúc. Các loại bánh được làm từ nếp mới với số lượng trung bình vài chục với mỗi gia đình, nếu gia đình có nhiều con cháu thì phải gói hàng trăm cái để thể hiện lòng biết ơn đến ông bà tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho năm mới mùa màng thắng lợi, chúc cho các thành viên trong gia đình no ấm, hạnh phúc, con cháu khỏe mạnh, biết yêu thương nhau.
Mâm cỗ sáng mùng Một Tết gọi là “Mâm cỗ Kin pá” được bày lên mâm hoặc trên chiếc mủng mà thường ngày gia đình dùng để đựng và phơi thóc gạo. Trong mâm cỗ có đầy đủ các loại bánh, xôi, gà, cá nướng, thịt lợn, lòng lợn, một bát mật, một bát nước lạnh, một bát nước chấm. Ngoài ra, còn chuẩn bị một bộ đồ quần áo nam, một bộ váy áo nữ có đủ hoa tai, vòng tay, vòng cổ để làm lễ cầu cúng gia tiên. Sau khi mâm cỗ được soạn sửa thì cả gia đình cùng nhau khiêng mâm cỗ đưa lên bàn thờ. Tập tục khiêng mâm cỗ thể hiện lòng biết ơn của con cháu đến gia tiên, năm hết Tết đến, con cháu sắm sửa được nhiều, đầy đủ, mâm cao, cỗ đầy dâng lên ông bà, tổ tiên, cầu mong sang năm làm ăn phát đạt, con cháu bình yên. Người bố trong gia đình hoặc thầy cúng sẽ đọc bài khấn cầu và thể hiện mong ước, nguyện vọng của con cháu.
Sau khi cúng xong, con cháu cùng cúi lạy 5 lần trước bàn thờ gia tiên. Trước khi ăn cỗ Kin Pá, người Thái treo lưới lên một cây sào, mắc vào lưới các gói moọc và cá nướng rồi đọc lời cảm ơn thần sông, thần suối đã cho cá thành đàn, thành bầy để họ có thể bắt về làm món ăn ngon, mong cho năm nay quăng lưới, thả chài được nhiều tôm, nhiều cá.
Tiếp đó, cả gia đình quây quần bên nhau để ăn cỗ, chúc mừng năm mới, cầu chúc những điều tốt đẹp. Ông bà, bố mẹ thì bóc bánh sừng trâu cho con, cho cháu để mong con cháu có sức khỏe như con trâu. Người lớn chúc nhau chén rượu đầu xuân để cả năm được vui vẻ, thuận hòa. Sau khi ăn cỗ xong, mọi người trong gia đình mừng tuổi đầu năm cho nhau, cùng nhau hát các điệu khắp để cảm ơn trời đất, cảm ơn ông bà tổ tiên phù hộ cho con cháu, chúc mừng một năm mới với mùa màng thắng lợi và cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chăm lo đến đời sống của bà con.
Mâm cỗ Kin Pá vào ngày mồng một Tết của người Thái không chỉ thể hiện sự đặc sắc của văn hóa ẩm thực của dân tộc, mà còn thể hiện tín ngưỡng, giá trị nhân văn sâu sắc, những giá trị cần phải bảo tồn, phát triển, không chỉ mang ý nghĩa văn hóa du lịch mà còn lưu giữ lại cho thế hệ sau./.