Non nước Việt Nam

Khai mạc lễ hội chọi trâu lâu đời ở Vĩnh Phúc

Cập nhật: 27/02/2013 15:14:14
Số lần đọc: 2816
Lễ Hội chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã chính thức khai mạc. Hơn 50.000 du khách ở các tỉnh, thành trong nước đã về đây xem, cổ động cho các chú trâu hay còn gọi là các “ông cầu” tranh tài, đọ sức, quyết chiến. 
Hội chọi trâu Hải Lựu diễn ra vào hai ngày 16 và 17 tháng giêng hàng năm được biết đến là một trong những lễ hội văn hóa có từ lâu đời. Lễ hội có từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên, nhưng bị gián đoạn từ năm 1947 do chiến tranh và mãi đến năm 2002 mới được khôi phục lại. Đây là một trong những lễ hội được đông đảo du khách đến xem nhất, bởi đến đây mọi người được chiêm ngưỡng những chú trâu hình thể đẹp, tràn đầy sức sống với "sừng cánh đá/má bình vôi" và được chọn lọc ở nhiều nơi mang về nuôi dưỡng cẩn thận để đem đi thi đấu.
Đặc biệt trong hội chọi trâu, du khách được xem những cú ra đòn hiểm, những cuộc rượt đuổi đầy gay cấn và hồi hộp, những đợt quyết đấu dũng mãnh và nảy lửa để giành chiến thắng. Nét đặc trưng thu hút du khách trong khi đến hội chọi trâu Hải Lựu còn là món thịt trâu chọi. Theo tục lệ, tất cả những con trâu tham gia chọi, sau khi thi đấu dù chiến thắng hay bại trận đều được giết thịt. Người dân nơi đây quan niệm rằng, ăn thịt trâu chọi sẽ mang lại nhiều may mắn và sức khỏe.

Năm nay, tham dự lễ hội có 28 ông cầu của 19 thôn và 9 tổ chức, đoàn thể trong xã. Các phương án bảo vệ sới trâu chọi được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm bảo đảm sự an toàn cho du khách đến xem. Đặc biệt, Ban tổ chức cũng đề ra một số tiêu chuẩn cụ thể đối với trâu chọi nhằm đảm bảo chất lượng cho những trận đấu sẽ diễn ra trong lễ hội. Theo quy định của Ban tổ chức, thời gian mua trâu, bình hãm trâu chọi, ký cam kết của các thôn phải diễn ra trong tháng 10/2012. Sau khi đăng ký, ký cam kết với Ban tổ chức, các chủ trâu mới được nuôi hãm và huấn luyện trâu chuẩn bị cho lễ hội. Những “ông cầu” không đảm bảo số đo quy định như Ban tổ chức yêu cầu sẽ không được đưa vào danh sách thi đấu.

Để có những “ông cầu” phục vụ vào đúng lễ hội, ngay từ đầu hoặc giữa năm trước, những người nuôi trâu chọi phải đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Phú Thọ… để tìm mua trâu chọi. Tháng 9 âm lịch hàng năm trước lễ hội, các chủ trâu phải làm lễ tấu trình ở vọng đài tưởng niệm tâm linh để kính cáo với thánh thần là trâu được tham gia vào lễ hội. Đến ngày 15 tháng giêng, tất cả các “ông cầu” đều phải làm lễ trước Thành hoàng làng, sau đó mới được vào thi đấu./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT