Độc đáo khúc hát Soong hao của người dân tộc Nùng
Tân Sơn - nơi được coi là cái nôi của câu hát Soong hao những ngày đầu Xuân, khi công việc đồng áng, mùa màng của người dân đã xong xuôi, cũng là lúc từ khắp các thôn bản, thanh niên nam nữ rủ nhau đi hội hát Soong hao. Thật may vì chúng tôi đến đây vào đúng ngày xã Tân Sơn tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc.
Những chàng trai, cô gái xúng xính trong sắc áo chàm xanh ngắt, tìm nhau qua câu hát Soong hao. Ngày hội cũng chính là phiên chợ tình của người dân Tân Sơn. Gọi là "chợ tình" bởi mỗi năm chợ chỉ họp duy nhất một lần trong năm vào đúng ngày 12 tháng Giêng và người đến chợ không phải để trao đổi, mua bán hàng hóa mà để hò hẹn, giao duyên. Họ hát với nhau ở bất kỳ địa điểm nào có thể hát, mới đầu họ hát theo từng đoàn để làm quen, sau họ bắt đầu hát riêng thành từng cặp. Những câu hát Soong hao mượt mà, tha thiết bay bổng đã giúp cho các chàng trai, cô gái thổ lộ được tâm tư của mình, để rồi họ hiểu nhau, nên duyên vợ chồng.
Phiên chợ có từ bao giờ không ai nhớ rõ và những làn điệu Soong hao trở thành câu hát giao duyên của người Nùng ở Bắc Giang từ bao giờ cũng không ai hay, chỉ biết rằng cả phiên chợ tình và những làn điệu Soong hao đã gắn liền và tồn tại cùng với sự có mặt và phát triển của người Nùng nơi đây.
Ông Chu Văn Then, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Sơn cho biết vào ngày hội không khí ở đây rất náo nhiệt. Không chỉ có người dân ở Tân Sơn, mà người Nùng ở các xã lân cận như Hộ Đáp, Cấm Sơn, Xa Lý, Phong Vân... và các huyện của tỉnh Lạng Sơn như Đồng Mỏ, Chi Lăng, Hữu Lũng, và các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang... cũng về đây để hát Soong hao.
Trong tiết trời lạnh và lất phất mưa, nhưng ngay từ sáng sớm những con đường vào hội đã ấm lên bởi tiếng hát Soong hao trầm bổng của các đôi nam nữ. Từ những cụ già tóc bạc đến những em bé còn đang được bế ẵm cũng về hội góp vui. Các thanh niên nam nữ thì trang điểm thật rạng rỡ và trưng diện những bộ trang phục đẹp nhất để đi hội. Ban đầu, từng nhóm, từng nhóm bao gồm cả người già và trẻ nhỏ hát với nhau, trong đó người già sẽ gỡ bí cho nhóm hát, còn trẻ nhỏ đi theo để học hát.
Sau khi đã hát tập thể, nếu tìm được bạn ưng ý thì các nhóm tách nhau ra để hát đôi. Lúc này, họ lại hát những bài mang tính tâm sự, thổ lộ nỗi lòng và những lời sâu kín từ trái tim mình với bạn.
Ông Lý Văn Bế, người dân tộc Nùng ở Tân Sơn, một người đã từng tham gia hội hát Tân Sơn nhiều lần cho biết cứ sau Tết là ông lại cùng mọi người trong thôn ôn lại những bài hát để chuẩn bị cho ngày hội.
"Hát Soong hao này hay lắm, lạ lắm, rất cuốn hút nên khi đã hát thì lại muốn hát nữa, hát mãi,” ông nói.
Hát Soong hao gồm nhiều loại, hát giao duyên ở các phiên chợ, ngày hội, hát trong nhà, vào bản và hát khi có đám cưới... nhưng hiện nay chỉ còn Soong hao giao duyên. Điều đáng tiếc là hát Soong hao giao duyên đã bớt nhiều cách hát đối nam nữ, mà chỉ hát song ca nam hoặc nữ.
Ông Chu Văn Then cho rằng giới trẻ giờ không còn mặn mà với hát Soong hao nữa, họ cũng ít thích mặc các trang phục dân tộc trong ngày hội. Hiện ở Tân Sơn người hát Soong hao chủ yếu là những người trung và cao tuổi.
Để tục hát Soong hao của người Nùng không bị mai một, những năm qua huyện Lục Ngạn đã khôi phục nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của truyền thống này.
Theo ông Đặng Văn Tuy, Giám đốc Trung tâm văn hóa, thể thao huyện Lục Ngạn, cứ vào ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm, xã Tân Sơn lại tổ chức Ngày hội các dân tộc vùng cao để đồng bào 12 xã vùng cao tụ hội về hát Soong hao. Từ năm 1996 đến nay huyện Lục Ngạn đã duy trì Ngày hội văn hoá thể thao các dân tộc. Cùng với đó, huyện đã quan tâm thành lập các câu lạc bộ hát dân ca và mở các lớp dạy hát miễn phí ở các xã vùng cao nhằm khôi phục lại làn điệu dân ca các dân tộc nhất là hát Soong hao của người Nùng.
Với những nỗ lực đó, hy vọng tục hát Soong hao cũng như dân ca các dân tộc khác sẽ được lưu truyền và phát triển, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao mỗi khi Tết đến, Xuân về./.