Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng
Mục tiêu quy hoạch nhằm làm rõ và tích hợp 3 giá trị văn hóa Đông Sơn, lịch sử văn hóa các công trình tôn giáo tín ngưỡng, dân gian và lịch sử cách mạng trong không gian danh thắng Hàm Rồng. Lồng ghép hình ảnh làng truyền thống Đông Sơn, di chỉ khảo cổ học, di tích lịch sử - văn hóa, qua đó làm sống lại các giá trị của di tích, góp phần giáo dục, truyền bá trong và ngoài nước về một trong những cái nôi của người Việt cổ, về truyền thống văn hóa dân tộc, về lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc và của xứ Thanh.
Đồng thời, nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Hàm Rồng thông qua các di tích hiện hữu; tránh tình trạng lấn chiếm, xuống cấp của di tích; phục hồi di tích đã mất trên cơ sở khoa học và tạo các sản phẩm đa dạng, phong phú phục vụ du lịch (du lịch văn hóa, du lịch nghiên cứu, du lịch tâm linh…) trên nguyên tắc bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch bền vững và gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cấp hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường dân sinh; phát triển thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị loại I vào năm 2015.
Làm cơ sở pháp lý cho việc cắm mốc bảo vệ di tích và thu hồi đất cho khu vực quy hoạch; bảo tồn, quản lý, lập, thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích; định hướng kiến trúc cảnh quan khu vực bao quanh có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích.
Theo nội dung quy hoạch, bố cục không gian các khu chức năng chủ yếu gồm 2 trung tâm là trung tâm hành lễ và trung tâm dịch vụ du lịch. Tuyến đường chính của khu vực quy hoạch chạy từ đường cao tốc Bắc Nam qua khu đô thị Đông Cương, nối trung tâm lễ hội với trung tâm hành lễ ra đường 1A.
Nội dung quy hoạch cũng nêu rõ, cần tôn trọng các trục giao thông đô thị chính đã được định rõ trong Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thanh Hóa đã được phê duyệt. Giao thông trong phạm vi quy hoạch được thiết kế dựa trên địa hình và hệ thống giao thông hiện có. Giao thông trong khu vực được thiết kế để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân và nhu cầu tham quan, du lịch. Đường nối các điểm tham quan, đường dạo trong các khu công viên có mặt cắt từ 1,5 – 3,5 m được lát bằng đá tự nhiên, hoặc các tấm đá lớn có kích thước khác nhau xếp tạo thành đường đi;…
Ngoài ra, hệ thống cảnh quan cây xanh và thảm thực vật giữ vai trò hết sức quan trọng. Hình thức bố trí cây xanh tạo cảnh quan không gian đóng mở mang đến những loại hình cảnh quan đặc trưng cho hệ thực vật ở vùng đất xứ Thanh.
Quy hoạch bao gồm 5 nhóm dự án: nhóm dự án đền bù, giải phóng mặt bằng tái định cư và cắm mốc giới bảo vệ di tích; sưu tầm bổ sung tư liệu và hiện vật; nhóm dự án khai quật khảo cổ bổ sung; nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo di tích; nhóm dự án các công trình hỗ trợ phát huy giá trị di tích; nhóm dự án nâng cao năng lực bảo vệ di tích và phục vụ du lịch./.