Khảo sát tình hình phát triển kinh tế trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC)
Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Văn Hữu Chiến đã báo cáo tình hình triển khai các hoạt động của thành phố để xúc tiến tuyến hành lang này. Với vai trò là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam và là một trong những trọng điểm của EWEC, trong 1 năm qua, Thành Phố Đà Nẵng đã chủ động tham gia chương trình hợp tác phát triển tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây thông qua việc hỗ trợ thực hiện các dự án lớn của Chính phủ song song với việc triển khai các dự án của địa phương như: nâng cấp Cảng Đà Nẵng – cảng cuối của EWEC, xây dựng cầu Tuyên Sơn, hầm đường bộ qua đèo Hải Vân; xây dựng mới các tuyến đường ven biển; hiện đại hoá hệ thống bưu chính viễn thông; hoàn thiện hệ thống cấp điện, cấp nước; đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng của 06 khu công nghịêp với diện tích hơn 1.450 ha; nâng cấp sân bay quốc tế Đà Nẵng... Thành phố đã tham dự và đăng cai tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo liên quan đến Hành lang Kinh tế Đông Tây; tổ chức các đoàn đi nghiên cứu, khảo sát; thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương và các nước trên tuyến hành lang, đặc biệt là với nước bạn Lào, trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội... Từ ngày 27/8 - 02/9/2007, dưới sự chủ trì của Bộ Ngoại giao, thành phố đã đăng cai tổ chức Tuần lễ Hành lang Kinh tế Đông Tây với hơn 400 đại biểu trong và ngoài nước tham dự.
Tuy đã có những cố gắng, song trong thời gian qua, những thành quả đạt được từ tuyến hành lang này vẫn chưa xứng tầm so với mục tiêu ban đầu đặt ra. Lượng hàng hóa lưu thông qua tuyến hàng lang này vẫn chưa nhiều, kim ngạch xuất nhập khẩu của Đà Nẵng sang 03 nước còn thấp, đạt chưa đến 15 triệu USD, chủ yếu là hàng thủy sản. Doanh thu du lịch từ tuyến hành lang này còn thấp. Việc triển khai các hoạt động trên tuyến hành lang còn vấp phải nhiều khó khăn vướng mắc như các loại phí vẫn còn quá cao; thủ tục quá cảnh tại cửa khẩu còn phức tạp và gây phiền hà; việc tổ chức triển khai thực hiện các hiệp định đã ký kết của các địa phương và các bên liên quan còn chưa tốt.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả của tuyến hành lang này, thành phố đã kiến nghị chính phủ tạo điều kiện để Đà Nẵng thí điểm thực hiện chính quyền Cảng; phân cấp cho địa phương đầu tư ra nước ngoài đặc biệt là với Lào; đầu tư xây dựng Cảng tổng hợp Liên Chiểu nhằm đảm bảo phục vụ thông thương hàng hóa cho các khu công nghiệp dọc theo tuyến EWEC; xúc tiến để thực hiện thống nhất mẫu tờ khai hải quan của 3 nước; rà soát lại các loại phí; hỗ trợ các địa phương nằm trên vùng ảnh hưởng của tuyến hành lang xây dựng các quy hoạch về cơ sở hạ tầng phục vụ cho toàn tuyến (các trạm dừng để tiếp nhiên liệu và thư giãn, các tiêu chuẩn chất lượng của các dịch vụ du lịch trên toàn tuyến); Chính phủ hai nước Việt Nam và Thái Lan sớm ký kết hiệp định về thông xe giữa hai quốc gia, cho phép xe ôtô của hai nước được lưu thông qua lại nhằm gia tăng nguồn khách du lịch và hàng hóa trên tuyến hành lang; ký kết Hiệp định giữa Việt Nam, Lào và Thái Lan về các vấn đề vận tải, quá cảnh hàng hóa.
Đoàn công tác đã tiếp thu các kiến nghị đề xuất và trước mắt yêu cầu thành phố trong thời gian sắp tới nên chú trọng khai thác du lịch, đầu tư các dịch vụ vận tải, tăng cường công tác quảng bá để làm động lực thúc đẩy sự phát triển của tuyến hành lang này. Được biết, sau khi rời khỏi Đà Nẵng, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến khảo sát, đoàn sẽ tiếp tục làm việc với Quảng Trị, Savanakhet (Lào), Mukdahan và Khon Kaen (Thái Lan).