Ngăn chặn cách hành xử xấu với du khách
Trước ý kiến cho rằng, hiện nay, việc xử lý đối với các hiện tượng vi phạm trong lĩnh vực du lịch mới chỉ dừng lại ở các biện pháp hành chính như phạt tiền, cảnh cáo nhưng những chế tài này chưa có tính răn đe cao mà cần phải xử lý nghiêm khắc hơn nữa (như cấm hành nghề vĩnh viễn đối với các khách sạn, tài xế chở khách nếu có hành vi bắt chẹt khách), ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết: các cơ quan quản lý và cơ quan liên quan đã và đang đề xuất các biện pháp xử lý theo hướng vừa răn đe, tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng, các cấp, các ngành để nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tổ chức các hoạt động du lịch; đồng thời ban hành những văn bản pháp luật, trong đó nâng cao các hình thức chế tài, xử lý các hành vi vi phạm. Thời gian vừa qua, TCDL đã trình Thủ tướng Chính phủ để đề xuất với Quốc hội xin sửa đổi Luật Du lịch (năm 2005), trong đó bổ sung thêm một chương về Khách du lịch, quy định những điều khoản để bảo vệ quyền lợi của khách du lịch; đồng thời đề xuất sửa đổi Nghị định 16 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch, tiến tới tăng mức phạt, thậm chí xem xét một số hành vi có thể chuyển sang yếu tố tội phạm hình sự để xử phạt nghiêm khắc hơn. Tới đây, TCDL cũng sẽ đề xuất Chính phủ ban hành chỉ thị làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong việc xử lý các hành vi vi phạm như bán hàng rong, gây mất trật tự an ninh xã hội, an toàn giao thông… ảnh hưởng đến du khách. Ông Cường cho biết thêm, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 khẳng định chính quyền địa phương phải có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo nếp sống văn minh, an ninh, an toàn và các vấn đề giao lưu xã hội, góp phần đảm bảo chất lượng hoạt động du lịch tổng thể. Những cố gắng nỗ lực của du lịch Việt Nam cần có sự cộng hưởng của tất cả các cấp, các ngành, nếu các biện pháp không được thực hiện đồng bộ sẽ làm ảnh hưởng đến việc xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt du khách. Trong nhiều năm qua, với tư cách là cơ quan tham mưu cho Bộ VHTTDL và Chính phủ, TCDL luôn đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, không tự ý tăng giá dịch vụ. Tuy nhiên, ở một số địa phương, các doanh nghiệp vẫn còn có tình trạng “bóc ngắn cắn dài”, chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài, làm xấu đi hình ảnh du lịch cũng như gây ảnh hưởng đến tâm lý du khách. Trong rất nhiều biện pháp, TCDL đã yêu cầu Sở VHTTDL các địa phương tham mưu cho lãnh đạo chính quyền địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm những hiện tượng trên. Du lịch là ngành kinh tế có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, chịu sự tác động của nhiều yếu tố như kinh tế, an ninh trật tự, giao thông... Theo ông Cường, với sự quyết tâm vào cuộc của ngành du lịch, sự chung tay góp sức của tất cả các cấp, các ngành liên quan và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc tổ chức thực thi những chủ trương của Đảng và Nhà nước cùng với sự đồng tâm của nhân dân thì nhất định sẽ ngăn chặn được những hiện tượng tiêu cực trên, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam hiền hòa, thân thiện và mến khách. Phạm Phương
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Cường nhìn nhận, hiện tượng chèo kéo, lừa đảo du khách trong và ngoài nước đã tồn tại nhiều năm nay và ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi. Ngoài hiện tượng bắt chẹt du khách như tự nâng giá xích lô, taxi, phòng nghỉ khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ khác, ở một số điểm du lịch nổi tiếng như Hà Nội, Sa Pa, Huế, TP.HCM, hiện tượng chèo kéo, đeo bám khách để bán hàng rong cũng làm xấu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt du khách quốc tế. Mặc dù đã có sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương nhưng hiện nay, những hiện tượng này vẫn chưa được xử lý một cách triệt để. Đây là vấn đề bức xúc đối với tất cả những ai quan tâm đến du lịch Việt Nam, đặc biệt là những người làm trong ngành du lịch.
(Nguồn ảnh: internet)