Cơm rượu nếp 3 miền cho ngày Tết Đoan Ngọ
Người ta cho rằng, bộ phận tiêu hoá của con người thường có các loại ký sinh gây hại nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mồng 5/5 (âm lịch), các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng.
Chính vì thế nên rượu nếp là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ của cả người dân 3 miền. Nếu có dịp du lịch hoặc ghé qua những vùng đất khắp miền của Tổ quốc trong dịp này, mời bạn cùng khám phá những hương vị quen và lạ của món ăn này:
Cơm rượu nếp miền Bắc
Được nấu bằng gạo nếp lức hoặc gạo nếp cẩm nhưng phổ biến nhất vẫn là dùng gạo nếp lứt để nấu. Gạo xay nấu lên, sau đó đổ ra nia và dàn ra cho cơm nguội. Lấy những quả men rượu đã mua ở chợ về, cạo sạch lớp chấu trên bề mặt và giã nhỏ thành bột màu trắng.
Khi cơm đã nguội thì lấy rá, lót một lớp lá chuối tươi đã khía ở đáy để không bị ứ nước khi cơm nếp lên men thành rượu sau đó. Cho từng lượt cơm vào rá, rồi rắc một lượt men lên, đan xen với nhau, rắc hết thì đậy kín miệng rá bằng lá chuối. Sau đó để rá cơm rượu lên một chiếc bát trong khoảng 2 ngày.
Khi ấy, men rượu sẽ ngấm vào cơm làm cho những hạt cơm căng mọng, hơi men kết hợp với cái nóng của cơm nếp đang ủ sẽ tạo ra những giọt rượu nguyên chất chảy xuống chiếc bát phía dưới rá.
Cơm rượu nếp để 2 ngày sẽ ngấu, dừ và ăn được. Khi ăn thì trộn đều với đường trắng (nước đường). Nước rượu nguyên chất (dung dịch rượu vữa có mùi thơm lừng) có thể chắt vào chai dành để uống như rượu bình thường. Món cơm rượu sẽ có hơi men, vị cay của rượu, vị ngọt của nước đường và cơm nếp.
Cơm rượu miền Trung
Cơm rượu được làm từ phương pháp lên men cổ truyền. Đây là món tráng miệng, lại giúp dễ tiêu hóa nên đã được nhiều gia đình miền Trung tự chế biến trong bữa ăn.Để có những viên cơm nếp nguyên miếng, thơm ngọt, cần chọn nếp ngỗng cũ, vo sạch, ngâm nước trong 8 giờ rồi vớt để ráo. Đem hấp nếp lần 1 trong một tấm vải màn. Khi hạt nếp có độ trong, lấy ra, nhúng gói nếp vào thau nước pha muối loãng, để ráo trong 3 phút.
Nếp được hấp hai lần đến độ chín hoàn toàn. Xới xôi ra để nguội. Lót tấm lá chuối vào khay, cho xôi vào, đậy thêm tấm lá nén xôi thật chặt trong lòng khay, dùng vật nặng đè lên xôi.
Cứ một dung lá gói ba viên xôi. Ta bóc lá chuối, sắp viên xôi ra bát hay thẩu, đổ nước rượu hứng được vào. Đậy nắp lại, sau một ngày là có thể đem ăn. Để tủ lạnh sẽ giữ được lâu hơn. Món cơm rượu thường ăn kèm xôi vò.
Cơm rượu nếp miền Nam
Ở các tỉnh miền Nam, cơm rượu nếp được gọi là cơm rượu. Cơm rượu không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ. Món cơm rượu ở miền Nam thường có nước tiết ra và cũng được pha thêm nước đường, rất ngon nếu ăn kèm với xôi vò giống như món xôi chè ở miền Bắc.
Ngon nhất là loại cơm rượu làm từ gạo nếp cẩm (nếp than). Trong gạo nếp cẩm có chứa hàm lượng khá cao một chất có tiềm năng chống lại bệnh ung thư, tim mạch và nhiều bệnh khác. Gạo nếp cẩm chứa ít đường đồng thời có nhiều khoáng chất, chất xơ và vitamin E hơn gạo nếp thường.
Bánh men rượu có vị ngọt, tính ấm, không độc. Tác dụng làm khoan khoái trong lòng, khai vị, trừ đàm tích, giáng khí nghịch, tiêu hòn cục, kích thích tiêu hóa, chữa hoắc loạn (đau bụng, khi nóng khi lạnh có kèm tiêu chảy, nôn ói).
Khi làm cơm rượu nếp, sự kết hợp giữa xôi nếp và bánh men qua quá trình ủ đã tạo ra hương vị thơm ngọt, chất đường tăng lên, tính chất bổ dưỡng của món ăn này cũng được gia tăng. Do tác dụng làm ấm tì vị, thăng khí, trừ đàm, trừ thấp, nên món cơm rượu nếp dễ làm cho tinh thần chúng ta vui vẻ, phấn chấn, tăng sức đề kháng.
Cơm rượu nếp ngon nhất là loại được làm bằng gạo nếp cái, chỉ xay tróc vỏ trấu mà không giã tróc lớp cám bao quanh hạt gạo (còn gọi là nếp lứt, nếp lật). Khi racơm rượu nếp, các hạt có màu vàng như màu hoa ngâu. Nhiều nơi còn dùng xôi gấc để chế biến cơm rượu nếp gấc có màu đỏ đẹp mà giá trị dinh dưỡng cũng tăng thêm./.