Non nước Việt Nam

Lễ tế Xã Tắc: Một nghi lễ độc đáo

Cập nhật: 15/09/2008 10:09:15
Số lần đọc: 1876
Năm 1806, vua Gia Long cho xây dựng đàn Xã Tắc. Xã là vị thần quan trọng nhất trong 5 vị thổ thần, Tắc là lúa - quý nhất trong ngũ cốc. Vì là thờ Đất và Lúa nên đất để xây dựng đàn Xã Tắc được cả các thành, dinh, trấn trong toàn quốc theo lệnh vua, phải đóng góp đất sạch để đắp đàn. Bởi vậy, đàn Xã Tắc còn tượng trưng cho đất đai cả Tổ quốc, ý nghĩa của đàn Xã Tắc vì thế càng thêm thiêng liêng.

Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giảng nghĩa hai chữ “Xã Tắc” như sau: “Thuở xưa dựng nước tức quý trọng nhân dân. Dân cần có đất ở nên lập nền Xã để tế thần hậu thổ. Dân cần có lúa ăn, nên lập nền Tắc để tế thần nông. Mất nước thì mất xã tắc, nên xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia”. Với một nước nông nghiệp như nước ta thì tục tế thần Xã Tắc tỏ ra rất phù hợp nên rất được coi trọng.

 

Đàn được xây ở bên trong Kinh thành, phía tây của Hoàng thành, xưa thuộc xã Hữu Niên (sau thành phường Ngưng Tích), nay thuộc địa phận phường Thuận Hòa, Thành phố Huế.

 

Đàn Xã Tắc được đắp lộ thiên, gồm hai tầng, hình vuông, mặt nhìn về hướng bắc. Tầng trên cao 1,60m, cạnh dài 28m, mặt nền tô 5 màu theo nguyên tắc của ngũ hành: giữa màu vàng, phía đông màu xanh, phía tây màu trắng, phía nam màu đỏ, phía bắc màu đen. Trên nền còn đặt 32 bệ đá để cắm tàn. Tầng dưới cao 1,20m, cạnh dài 70m, mặt nền phía trước lát gạch, hai bên có bệ để cắm tàn.

 

Tại đàn Xã Tắc - nơi diễn ra lễ tế - sẽ có các án thờ, hương án, phẩm vật, lính canh, quan văn tứ phẩm, quan võ lục phẩm, chấp sự, bồi tế... Các lễ chính: Quán tẩy (vua rửa tay); Thượng hương (dâng hương); Nghinh thần (đón các thần); Điện ngọc bạch (tế ngọc và lụa); Hiến tước (dâng rượu); Truyền chúc (đọc chúc văn); Tứ phúc tộ (ban phúc); Triệt soạn (dọn thức ăn)...

Nguồn: website báo Thái Nguyên

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT