Hoạt động của ngành

ĐBSCL: Du lịch sông nước và miệt vườn sẽ là sản phẩm chính

Cập nhật: 21/06/2013 09:44:51
Số lần đọc: 2459
Với những đặc trưng riêng là không gian văn hóa sông nước, vườn cây ăn trái, ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã định vị rõ sản phẩm đặc trưng của vùng là Du lịch sông nước, sinh thái và miệt vườn.

Sản phẩm đặc trưng.

 

Các chợ nổi nổi tiếng là một trong những nét văn hóa đặc sắc mà chỉ có ĐBSCL mới có. Tiêu biểu như Chợ nổi Cái Bè (Cai Lậy- tỉnh Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy (TX. Ngã Bảy- tỉnh Hậu Giang), chợ nổi Ngã Năm (Thạnh Trị- Sóc Trăng), chợ nổi Sông Trẹm (Thới Bình- Cà Mau)… Đây là cơ sở để ĐBSCL tạo các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng sông nước đồng bằng và miệt vườn.

 

Cụ thể, trong 2 năm qua, Sóc Trăng là tỉnh có số lượng sông ngòi không nhiều ở khu vực ĐBSCL nhưng trong 4 tháng đầu năm 2013 tổng lượt khách tham quan đến Sóc Trăng gần 250.000 lượt, trong đó khách quốc tế hơn 3.000 lượt, khách lưu trú trên 40.000 lượt thì có trên 60% lượng khách tham gia vào các tour du lịch sông nước và miệt vườn.

 

Hiện nay, du lịch sông nước, sinh thái đang phát triển mạnh tại Tiền Giang. Chỉ tính từ đầu năm đến tháng 5/2013, Tiền Giang đã đón 369.000 lượt du khách, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có trên 190.000 khách quốc tế chiêm trên 50%. Doanh thu đạt 1.127 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2012.

 

Các điểm tham quan, du lịch nổi tiếng của Cần Thơ luôn thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước như chợ nổi Cái Răng, khu du lịch Mỹ Khánh, chợ cổ Cần Thơ, nhà cổ Bình Thủy và Bến Ninh Kiều. Năm 2012 đã có gần 1 triệu du khách trong nước và quốc tế tham gia các chương trình du lịch sông nước, chợ nổi, miệt vườn. Mục tiêu đặt ra cho ngành du lịch Cần Thơ năm 2013 sẽ thu hút 1,2 triệu du khách với loại hình du lịch sông nước, miệt vườn, văn hóa địa phương là chủ đạo.

 

Cần xây dựng chiến lược tổng thể

 

Theo Hiệp hội du lịch ĐBSCL (MDTA), từ nay đến năm 2020, ĐBSCL sẽ phát triển du lịch theo bốn cụm gồm cụm trung tâm thuộc bốn tỉnh, thành phố là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang. Loại hình du lịch chủ lực tại đây là sông nước, thương mại, lễ hội, nghỉ dưỡng biển cao cấp. Trong đó, Cần Thơ, nơi có số cơ sở du lịch nhiều nhất ĐBSCL sẽ tăng cường xúc tiến du lịch, đa dạng hóa các loại hình du lịch sông nước, miệt vườn, du lịch văn hóa, du lịch kết hợp hội nghị.

 

Tiếp đến, bán đảo Cà Mau thuộc ba tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng được xây dựng với loại hình tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, du lịch sông nước, sinh thái tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khmer.

 

Riêng cụm duyên hải phía Đông thuộc tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh phát triển chú trọng phát triển du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân.

 

Cụm Đồng Tháp Mười có tỉnh Long An, Đồng Tháp với sản phẩm chủ yếu là du lịch sông nước, sinh thái tại các khu rừng đặc dụng ngập nước Đồng Tháp Mười.

 

Trong đó du lịch sông nước và miệt vườn sẽ trở thành sản phẩm chủ lực của 4 cụm du lịch nói trên của vùng ĐBSCL.

 

Còn riêng Thành phố Cần Thơ thì không chỉ phát triển mạnh sản phẩm du lịch này mà còn hợp tác với tỉnh An Giang, Kiên Giang, hình thành “tam giác du lịch” mạnh nhất khu vực với các loại hình du lịch sông nước, biển đảo, miệt vườn.

 

Để đón đầu và thu hút du khách tham gia vào loại hình du lịch sông nước, miệt vườn trong thời gian tới, Du lịch tỉnh Tiền Giang, đầu tư 1.600 tỷ đồng để kiện toàn cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại cồn Ngang và cồn Cống thuộc huyện Tân Phú Đông.

 

Tuy nhiên, để phát huy và khai thác có hiệu quả sản phẩm du lịch sông nước và miệt vườn có hiệu quả, ĐBSCL cần phải thực hiện một cách đồng bộ tất cả các điều kiện để phát triển du lịch của vùng một cách toàn diện.

 

Theo ông Phạm Phước Như, Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL (MDTA) cho biết, hiện cơ sở hạ tầng như cầu, đường, sân bay, bến tàu thuyền ở vùng ĐBSCL vẫn chưa hoàn chỉnh làm cho việc phát triển du lịch trong vùng gặp khó khăn.

 

Mặt khác. với lượng khách du lịch đến vùng ĐBSCL trên 10 triệu người/năm, toàn vùng cần khoảng 10.000 lao động được đào tạo chuyên nghiệp để phục vụ, nhưng hiện chỉ có khoảng 4.000 người. Trong đó, chỉ có 50% được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ.

 

Theo ông Phạm Phước Như về lâu dài, cần quy hoạch tổng thể và chi tiết phát triển du lịch theo cách chuyên nghiệp từng sản phẩm đặc trưng của vùng miền. Đó là tập trung và chuyên sâu vào sản phẩm đặc thù là du lịch sông nước, sinh thái và miệt vườn của vùng. Ngày càng cải tiến và chuyên môn hóa các dịch vụ trong việc cung cấp sản phẩm này một cách toàn diện. Có như vậy mới tạo ra những nét khác biệt và đặc trưng của ngành du lịch ĐBSCL nhằm tạo sự đa dạng, hấp dẫn nhiều hơn đối với du khách.

 

Trong năm 2013, MDTA đang xúc tiến vận động các tỉnh phía Đông TP Cần Thơ là Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh tiếp tục triển khai mô hình trên và hướng tới hoàn chỉnh tour liên kết cho 13 tỉnh, thành trong vùng với trọng điểm phát triển du lịch sông nước và miệt vườn./.

 

Nguồn: thathaovietnam.vn

Cùng chuyên mục