Hoạt động của ngành

Huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh): Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái

Cập nhật: 21/06/2013 10:20:44
Số lần đọc: 3386
Theo thống kê của ngành chức năng huyện Cần Giờ, trong vòng 2 năm qua, mỗi năm huyện Cần Giờ thu hút hàng trăm nghìn du khách đến với các khu du lịch của địa phương này, trong đó, phần đông du khách đến với các điểm du lịch sinh thái.

Hệ thống cầu đường ở Cần Giờ ngày càng được hoàn thiện
(Ảnh: K.V)


Cần Giờ là huyện duy nhất của thành phố Hồ Chí Minh giáp biển, với diện tích tự nhiên trên 70 nghìn ha, trong đó 25% là diện tích mặt nước với các sông lớn như Soài Rạp, Lòng Tàu, cùng các chi lưu như Gò Gia, Đồng Tranh, Vàm Sát và vùng ngập mặn chiếm gần 60% diện tích toàn huyện, cho thấy địa phương này có một tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái.

Nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch, nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để đầu tư phát triển du lịch.

Để tiếp tục khai thác lợi thế về du lịch của địa phương, năm 2013, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã ban hành kế hoạch về phát triển ngành du lịch. Theo đó, đã đề ra chỉ tiêu cho ngành du lịch cụ thể như phấn đấu tăng 15% lượt khách và tăng 20% doanh thu so với năm 2012; tăng cường các hoạt động văn hóa, thể thao xúc tiến du lịch, tổ chức các sự kiện, lễ hội, các dịch vụ mới để tăng doanh thu.

Để đạt được mục tiêu trên, huyện Cần Giờ đã triển khai nhanh chóng rất nhiều phần việc, nội dung như đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, phát triển năng lực kinh doanh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, tiếp thị, xúc tiến và phát triển du lịch, công tác bảo vệ và cải thiện môi trường du lịch, đào tạo nhân lực, giáo dục nâng cao dân trí, đồng thời cũng tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch.

Trong đó, đối với các doanh nghiệp du lịch trong các lĩnh vực như lữ hành, khách sạn, vận chuyển, bán hàng, ăn uống, giải trí, huyện đã yêu cầu mỗi doanh nghiệp phải có Chương trình hoạt động cụ thể và đăng ký các nội dung để thu hút khách du lịch, trong đó lưu ý nghiên cứu xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kinh doanh. Có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch để đưa vào khai thác.

Ngoài ra, huyện còn đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong năm 2013, tăng vốn đầu tư từ ngân sách cho địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ đầu tư khu di chỉ khảo cổ Giồng Cá Vồ, khu du lịch biển Cần Thạnh… để sớm đưa vào phục vụ du khách, đồng thời tăng nguồn kinh phí ngân sách dành cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trong Chương trình phát triển du lịch năm 2013, giới thiệu, làm cầu nối với các doanh nghiệp hỗ trợ, đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch đường sông.

Có thể khẳng định, trong những năm qua, du lịch huyện Cần Giờ đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ. Mỗi năm, huyện Cần Giờ đón trên 420 nghìn lượt khách du lịch, tuy nhiên, hoạt động của du khách chỉ dừng lại ở việc ngắm biển, thưởng thức hải sản… các hoạt động du lịch còn chưa khai thác được hết tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn của địa phương, nhất là các điểm đến lý tưởng như du lịch sinh thái biển, rừng, đường sông…

Để giải quyết tình trạng trên, đồng thời nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của huyện Cần Giờ, địa phương đã xác định song song với việc đầu tư khai thác tiềm năng du lịch sinh thái rừng và biển. Việc xây dựng hình thành các tuyến, điểm tham quan du lịch đường sông trên địa bàn huyện Cần Giờ là rất cần thiết, huyện đã dự kiến trong năm 2013 và giai đoạn 2014 - 2015, sẽ xây dựng 6 bến tàu để phục vụ du lịch đường sông, gồm bến Thiềng Liềng - xã Thạnh An; bến Phân khu 1 - Rừng phòng hộ (Trạm Văn phòng Phân khu 1); bến Phân khu 2 - Rừng phòng hộ (Trạm Văn phòng Phân khu 2); bến tàu Tắc Xuất - thị trấn Cần Thạnh; bến Đồng Đình - xã Long hòa và bến du lịch Tam Thôn Hiệp - xã Tam Thôn Hiệp.

Bên cạnh đó, huyện cũng có các giải pháp để thực hiện như quy hoạch phát triển du lịch đường sông, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển du lịch đường sông, phát triển sản phẩm, tuyến du lịch đường sông, quảng bá, xúc tiến du lịch, bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch đường sông, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

Những năm qua, huyện Cần Giờ đã đầu tư xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng khá đồng bộ để phục vụ cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đó là việc hoàn thành và đưa vào sử dụng con đường Rừng Sác, đây một công trình giao thông quan trọng làm nên một Cần Giờ phát triển năng động.

Cùng với đó là hệ thống điện lưới, cấp thoát nước cũng đã đẩy mạnh đầu tư nhằm phục vụ người dân và khách du lịch tại địa phương này. Một đề án xây dựng tuyến đê biển, cách bờ biển hiện hữu khoảng 2km cũng đã được các bộ, ngành chức năng chuẩn bị triển khai. Đặc biệt, mới đây, Saigontourist đã khởi công xây dựng Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, đây là một trong những điểm nhấn của địa phương này trong một tương lai gần.

Theo thống kê, trong vòng 2 năm qua, mỗi năm Cần Giờ thu hút bình quân hàng trăm nghìn du khách đến với các khu du lịch nổi tiếng như Vàm Sát; Khu di tích lịch sử Chiến khu rừng Sác, Lâm Viên - đảo khỉ, bãi biển 30/4… Với tiềm năng lớn, đa dạng như vậy, nên Cần Giờ đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến đây đầu tư các khu vui chơi, giải trí có tính quy mô và hiện đại tại đây.

Một góc rừng ngập mặn Cần Giờ (Ảnh: K.V)


Ở Cần Giờ, rừng ngập mặn đã được Tổ chức Giáo dục - khoa học và văn hóa của Liên Hiệp quốc công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam vào năm 2000. Do đó, việc phát triển du lịch sinh thái cũng là hình thức tận dụng lợi thế thiên nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.

Theo các nhà khoa học, rừng Cần Giờ chứa đựng rất nhiều giá trị về lịch sử, khảo cổ, văn hóa tín ngưỡng. Trong rừng Cần Giờ hiện có nhiều khu vực bảo tồn động vật có giá trị như khu Lâm Viên - Đảo khỉ với hàng nghìn cá thể khỉ đuôi dài. Vàm Sát - được coi như là một khu bảo tồn chim của khu vực phía Nam với diện tích rộng hơn 600 ha, nơi đây có hơn 7 nghìn cá thể chim các loại và khu bảo tồn dơi nghệ với hàng nghìn con. Đặc biệt, nằm sâu trong những cánh rừng ngập mặn còn có căn cứ cách mạng Chiến khu rừng Sác.

Trên địa bàn huyện Cần Giờ hiện có khoảng 16 di tích đã được khảo sát và 5 di tích đang được khai quật, đào thám sát. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cách đây khoảng 2 nghìn năm, Cần Giờ đã là một “cảng thị sơ khai” trong khu vực.

Đặc biệt, Cần Giờ đã phối hợp với nhiều trường đại học, các nhà khoa học trong và ngoài nước, thu hút sự tham gia của người dân địa phương triển khai nhiều dự án bảo tồn đa dạng sinh học tại rừng ngập mặn Cần Giờ.

Trong định hướng của thành phố Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ sẽ được đầu tư xây dựng và trở thành một đô thị du lịch sinh thái rừng - biển đặc trưng, đây sẽ là điểm thu hút khách trong nước và quốc tế khi đến với thành phố mang tên Bác./…

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục