Hoạt động của ngành

Ninh Bình tăng cường công tác quản lý về du lịch

Cập nhật: 21/06/2013 10:47:48
Số lần đọc: 3015
Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình Lâm Quang Nghĩa cho biết, địa phương hiện có 269 cơ sở lưu trú với hơn 4.000 phòng ngủ; trong đó, có 31 khách sạn được xếp hạng từ 1 - 2 sao, 1 khách sạn 3 sao, 1 khách sạn 4 sao và 5 khách sạn xây dựng theo tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao đang đi vào hoạt động thử nghiệm.
Với mục tiêu thu hút 4 triệu lượt khách năm 2013, trong 5 tháng đầu năm, du lịch Ninh Bình đã đón được 3,4 triệu lượt khách, tăng trên 28% so với cùng kỳ năm 2012, doanh thu ước đạt 627 tỷ đồng. Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển thị trường, quảng bá, xúc tiến du lịch, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.

Tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan; hướng dẫn cụ thể việc đặt hòm công đức theo quy định. Các địa phương nơi có địa điểm du lịch, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hóa chủ động sửa chữa, làm mới nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách, xây dựng bãi tập kết rác thải, bố trí lực lượng lao động, phương tiện để thu gom rác, tuyên truyền cho người dân và du khách thực hiện các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường. Sở Giao thông vận tải đã lắp đặt 60 biển báo, biển chỉ dẫn đến các khu, điểm du lịch; mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, cấp chứng chỉ cho 2.000 lái đò, phối hợp với Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đưa bến xe có quy mô 200 ha và hệ thống xe điện vào hoạt động phục vụ khách tham quan Khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính... Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch khai báo tạm trú cho du khách, Công an tỉnh Ninh Bình đã triển khai đề án "Khai báo tạm trú, lưu trú cho người nước ngoài, người Việt Nam qua mạng internet", tới 134 khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn. Tại các khu du lịch trọng điểm như: Tam Cốc - Bích Động, Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư và Khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính, Công an tỉnh đã tăng cường lực lượng giữ gìn an ninh trật tự và đảm bảo an toàn giao thông.

Về tình trạng chèo kéo khách, bán hàng rong và những bất cập trong việc thu phí, lệ phí du lịch tại các điểm tham quan gây bức xúc cho các hãng lữ hành và người dân được các phương tiện thông tin đại chúng và người dân phản ánh, ông Lâm Quang Nghĩa cho biết: Bắt đầu từ năm 2013, tỉnh đã thực hiện việc quy hoạch đưa hàng quán ra bên ngoài khu vực khuôn viên các điểm tham quan tránh xảy ra tình trạng lộn xộn. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tăng cường phối hợp với các Ban Quản lý di tích xử lý triệt để tình trạng này. Khi tiếp nhận thông tin của một số hãng lữ hành phản ánh Khu Du lịch Tràng An in vé chở đò không theo quy định của Cục Thuế, ngành đã báo cáo UBND tỉnh làm việc với Ban Quản lý để có những điều chỉnh phù hợp. Về ý kiến cho rằng giá vé xe điện đi thăm quan Khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính thu quá cao, ông Nghĩa cho biết thêm: Vào đầu năm 2013, khi mới đưa dịch vụ này vào hoạt động, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (đơn vị thi công chùa) thu 50.000 đồng/1 lượt đi và về, nhưng sau khi nhận được thông tin của nhân dân, tỉnh đã làm việc với đơn vị này và thống nhất hạ giá vé xuống 25.000 đồng/1 lượt đi và về./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục