Hoạt động của ngành

An Giang: Tịnh Biên đẩy mạnh phát triển tiềm năng du lịch

Cập nhật: 26/06/2013 16:52:55
Số lần đọc: 3129
Là huyện biên giới, dân tộc và có nhiều đồi núi với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nằm trong quần thể khu du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang suốt nhiều năm qua. Tịnh Biên không chỉ được tỉnh đánh giá xác định là địa bàn chiến lược về Quốc phòng, là cửa ngỏ một căn cứ địa về phòng thủ, bảo vệ vững chắc tuyến đầu biên giới; mà Tịnh Biên còn có điều kiện thuận lợi về phát triển giao thương mua bán ở biên giới, đặc biệt là có tiềm năng khá lớn về lĩnh vực hoạt động du lịch.

Nhiều năm qua, trung bình mỗi năm huyện đã tiếp đón hàng triệu lượt khách du lịch từ khắp nơi trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm và cúng viếng; riêng 6 tháng đầu năm 2013 đã có trên 2.526.000 lượt khách du lịch đến tham quan, tập trung nhiều nhất ở các điểm như: khu siêu thị miễn thuế- chợ biên giới tại của khẩu Quốc tế Tịnh Biên. Khu du lịch sinh thái Trà Sư và khu du lịch Lâm viên Núi Cấm…


Quần thể du lịch của huyện nói chung và từng điểm đến tham quan trên địa bàn huyện nói riêng thì có rất nhiều, nhưng tập trung các điểm nổi bật và đông đúc lượng khách nhất có thể kể đó là: ngoài cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên, khu siêu thị miễn thuế, rừng tràm sinh thái Trà Sư, khu du lịch tâm linh (các chùa Lâm vồ, Phước Điền, Hòa Thạnh…). Huyện còn đầu tư khai thác mở rộng khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư, thuộc địa phận xã Văn Giáo. Mỗi năm đã thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan. Trong đó, có nhiều Đoàn với hàng ngàn lượt khách nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu về môi trường thiên nhiên, hệ sinh thái của rừng tràm.


Đặc biệt là khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm, ngày nay đã thu hút ngày càng nhiều với hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng về những thắng cảnh đẹp của vùng Bảy núi ở Tịnh Biên, đã được thiên nhiên ưu đãi ban tặng. Trong đó, bao gồm Bảy ngọn núi từng nổi tiếng là: Thiên Cấm Sơn (Núi Cấm); Ngọa Long Sơn (Núi Dài); Phụng Hoàng Sơn (Núi Tô), Anh Vũ Sơn (Núi Két), Ngũ Hồ Sơn (núi dài 5 giếng), Liên Hoa Sơn (Núi Tượng), Thủy Đài Sơn (Núi Nước). Dãy Thất sơn huyền bí, trước đây trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là căn cứ địa Cách mạng vững chắc của tỉnh nhà, núi rừng từng chở che bom đạn cho những chiến sĩ cách mạng, những người con yêu nước của quê hương Tịnh Biên Anh hùng. Từ đó đã vững vàng bám trụ, chiến đấu anh dũng kiên cường cho đến ngày toàn thắng.



Trong nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền Tịnh Biên luôn xác định được lợi thế, tiềm năng thế mạnh về du lịch của huyện, từ đó luôn quan tâm và phối hợp cùng các đơn vị có điều kiện như: Công ty cổ phần đầu tư và phát triển du lịch, Công ty Lữ hành An Giang… không ngừng đầu tư khai thác và phát triển có hiệu quả về thế mạnh ở lĩnh vực du lịch trên địa bàn. Đi đôi với việc xây dựng mở rộng hệ thống đường giao thông lên đỉnh núi Cấm, đồng thời phát triển nhiều cơ sở hạ tầng như: mở rộng láng nhựa đường giao thông sạch đẹp, thông suốt đến các điểm tham quan du lịch, tổ chức nhiều tụ điểm vui chơi giải trí lành mạnh, điểm ẩm thực phục vụ du khách với những món ăn đặc sản giàu truyền thống của địa phương, phục vụ du khách khi đến tham quan nghĩ dưỡng, để thụ hưởng nhìn ngắm cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp đầy thơ mộng của vùng Thất Sơn huyền bí.


Bên cạnh tổ chức phục vụ tốt cho du khách đến tham quan du lịch, tìm hiểu về địa danh, thắng cảnh thiên nhiên của vùng Bảy núi. Huyện còn kết hợp đầu tư khai thác mở rộng về du lịch tâm linh. Vì Tịnh Biên, du khách bốn phương xưa nay vốn kính ngưỡng và luôn xem vùng đất này là một trong những vùng Thánh địa (đất Phật) của tỉnh nhà. Vì nơi đây vốn có rất nhiều chùa chiềng thờ Phật (kể cả của hệ phái Bắc tông và Nam tông) giữa các dân tộc: Kinh, Khmer. Và có rất nhiều di tích lịch sử được công nhận tại các chùa: Hòa Thạnh (xã Nhơn Hưng); chùa Lâm Vồ, chùa Phước Điền (xã Thới Sơn) v.v… do các nhà nho yêu nước như Cụ: Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Cụ Đoàn Minh Huyên… từng đến ẩn cư, tập hợp lực lực lượng chờ thời cơ chống Pháp cứu nước. Nơi đây còn là cơ sở từng đùm bọc, chỡ che nuôi chứa những người con yêu nước, đi theo chính nghĩa dưới lá cờ của Đảng, của Bác Hồ, và làm nên cuộc cách mạng to lớn vĩ đại trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân, Đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, giành lại độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ ngày nay.


Phát huy lợi thế của huyện vùng cao, có nhiều đồi núi. Đặc biệt là tại khu du lịch trên đỉnh Núi Cấm, với độ cao 710 m, khí hậu mát mẽ trong lành quanh năm. Thời gian qua, Tịnh Biên phối hợp cùng ngành chức năng tỉnh đã xúc tiến thi công hoàn tất tuyến đường dốc núi chạy dài gần 4 km từ chân lên đỉnh núi Cấm. Trong đó đơn vị Công ty Cổ phần du lịch lữ hành An Giang cũng đã tổ chức và bố trí hơn 40 xe lữ hành, hàng năm phục vụ đưa rước hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan du lịch trên đỉnh núi Cấm.


Bên cạnh khai thác phục vụ du khách đến tham quan du lịch, trong đó huyện còn chú trọng kết hợp khai thác du lịch tâm linh, nhằm phục vụ tốt nhu cầu cho bà con tín đồ Phật tử các nơi về hành hương cúng bái trên đỉnh Thiên Cấm Sơn. Đồng thời cũng để chiêm ngưỡng những cảnh quan thiên nhiên xanh đẹp của núi rừng. Tại đây, du khách còn được chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc chùa chiền tại khu vực bờ hồ Thủy Liêm (thuộc ấp Thiên Tuế - xã An Hảo) như: Chùa Phật lớn, chùa Vạn Linh và tương Phật Di Lặc… với đường nét kiến trúc xây dựng mang tính nghệ thuật và tuyệt đẹp, từ đó thu hút du khách từ khắp mọi miền đất nước luôn mong mõi được về đây để chiêm ngưỡng, lễ bái.



Điểm nổi bật Phật Di Lặc tại quần thể khu du lịch trên đỉnh Núi Cấm được Tổ chức kỷ lục Châu Á, công nhận tượng đạt kỷ lục Châu Á. Được biết, tượng Phật Di Lặc do nhà điêu khắc Thụy Lam (tên thật là Phạm Dân Chủ, 69 tuổi ở thị xã Tân Châu), người phát thảo bản vẽ và trực tiếp giám sát thi công. Sau gần 2 năm tập trung xây dựng hoàn thành tượng Phật, với tổng kinh phí thực hiện 33 tỷ đồng. Kết cấu tượng bao gồm: Chân đế bệ tượng làm bằng kính phản xạ cao cấp, khung, móng, võ tượng bằng bê tông cốt thép, tổng trọng lượng khoảng 1.700 tấn. Riêng tượng Phật nặng khoảng 600 tấn, với chiều cao 33,6 m, mặt hướng về phía Nam, diện tích bệ tượng 729 m, diện tích khuông viên tượng Phật rộng 2,2 héc- ta.


Một trong những công trình xây dựng kiến trúc nghệ thuật tượng Phật Di Lặc trên đỉnh Núi Cấm (thuộc xã An Hảo – huyện Tịnh Biên) là điều hết sức tự hào. Vì đây cũng là sự kiện quan trọng, góp phần tạo điều kiện cho ngành du lịch của tỉnh nhà nói chung và Tịnh Biên nói riêng, ngày càng mở rộng quy mô phát triển du lịch, mạnh mẽ giới thiệu quảng bá về hình ảnh, danh thắng, sản phẩm du lịch độc đáo của khu du lịch Núi Cấm, đến với đông đảo du khách khắp nơi trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó, tác động thúc đẩy nhanh đến các nhà đầu tư khai thác trong và ngoài tỉnh đến nghiên cứu để đầu tư xây dựng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng du lịch trên địa bàn của huyện sắp tới.


Hiện nay, Tịnh Biên tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các ngành chức năng của tỉnh ngoài việc thực hiện tốt công tác quản lý, công tác quy hoạch xây dựng mới các khu nghĩ dưỡng, khu vui chơi giải trí trên núi. Đồng thời, bố trí sắp xếp lại trật tự hộ kinh doanh mua bán vào các ki- ốt tại khu dịch vụ hành hương 2; quy hoạch lại bãi xe lên núi Cấm, xây dựng thêm các điểm vui chơi giải trí ở Cao Đài tự; hướng dẫn quy hoạch ổn định về cư trú của người dân. Sắp xếp bố trí khu trồng vườn sinh thái và cây cảnh trên núi. Sắp tới, tỉnh cũng đã thống nhất giao cho 2 đơn vị Cty đảm nhận việc đầu tư xây dựng mới hệ thống cáp treo tại núi Cấm, để sớm đưa vào hoạt động.


Phấn đấu đến năm 2015 và 2020, khu quần thể du lịch núi Cấm Tịnh Biên góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện đón tiếp, phục vụ cho khoảng 5,6 đến 6,5 triệu lượt du khách từ các nơi đến tham quan du lịch trên địa bàn của tỉnh và huyện, nhằm góp phần tăng tỷ trọng ngành du lịch lên 8% GDP, tạo điều kiện giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập đời sống cho người dân địa phương trong huyện./.

Nguồn: angiang.gov.vn

Cùng chuyên mục