Mai Châu (Hòa Bình): Phát triển du lịch cộng đồng
Qua một thời gian thực hiện, trên địa bàn từng xã, thị trấn đã từng bước hình thành các mô hình du lịch cộng đồng, sản phẩm, dịch vụ du lịch, đề án đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động… tại các điểm du lịch, hạ tầng cơ sở được đầu tư cơ bản, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Đề án đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong hoạt động du lịch, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân – đồng chí Hà Văn Di, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu chia sẻ về hiệu quả của Đề án.
Hiện nay, toàn huyện có gần 10 bản, làng phát triển du lịch cộng đồng với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch ngành nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa lịch sử… Không phải ngẫu nhiên mà tạp chí Business Insider – Mỹ bình chọn Mai Châu là 1 trong 10 điểm du lịch thú vị nhất châu Á. Thung lũng Mai Châu được nhiều du khách trong và ngoài nước chọn làm điểm đến ưa thích cũng bởi tại đây, du khách có nhiều trải nghiệm thú vị trong sinh hoạt và khám phá. Có thể thực hiện được điều đó là nhờ người dân địa phương đã biết cách làm du lịch. Từ chỗ chỉ dệt những chiếc khăn, chiếc áo thổ cẩm để mặc, phụ nữ trong bản đã biến những sản phẩm may mặc đó thành những món đồ lưu niệm bán cho du khách. Nhờ phát triển du lịch, đời sống của người dân được nâng cao, diện mạo nông thôn thay đổi đáng kể. Du lịch gần như là nguồn thu nhập chính của bà con nơi đây. Tính riêng 6 tháng đầu năm, Mai Châu đón 5.752 lượt đoàn khách với trên 41.000 lượt khách trong đó, 10.354 khách quốc tế và 30.742 khách nội địa, thu ngân sách nộp Nhà nước trên 8 tỷ đồng. Tại các xã, thị trấn có điểm du lịch, tỷ lệ hộ nghèo thấp so với bình quân toàn huyện, tỷ lệ hộ nghèo tại thị trấn Mai Châu 3,6%, xã Chiềng Châu 11,6%, xã Xăm Khỏe 10,92%. trong khi đó, toàn huyện 25,8%.
Về bản Lác (xã Chiềng Châu), đan xen với cảm giác quen thuộc của những nếp nhà sàn truyền thống là cảm giác ngỡ ngàng trước những đổi thay nơi đây. Tiếp nối con đường nhựa trải dài từ quốc lộ 15 A là những đoạn đường được bê tông hóa trải dài khắp bản. Những con được theo chuẩn nông thôn mới được xây dựng từ nguồn xã hội hóa Nhà nước và nhân dân cùng làm. Để đáp ứng nhu cầu ăn, ở của du khách, người dân trong bản mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng nhà sàn khang trang với đầy đủ tiện nghi nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của dân tộc, các hộ dân trong bản đều có nhà tiêu hợp vệ sinh và dùng nước sạch sinh hoạt. Cảnh quan môi trường được giữ gìn sạch sẽ nhờ vào ý thức của người dân cũng như du khách. Hiện, trên địa bàn huyện có 75 cơ sở lưu trú tại gia tập trung ở các xã Chiềng Châu, thị trấn Mai Châu, Xăm Khòe, Piềng Vế, Hang Kia, Nà Mèo, Tân Sơn, Tân Mai và Mai Hịch. Ngoài ra huyện còn có 2 khách sạn, 15 nhà nghỉ tư nhân. Sự phát triển của du lịch cộng đồng ở Mai Châu đã góp phần xóa đói - giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc. Số người dân tham gia hoạt động du lịch ngày càng nhiều như làm hướng dẫn khách du lịch, biểu diễn văn nghệ, chế tác đồ lưu niệm… nhiều người dân có thu nhập cao từ hoạt động du lịch.