Non nước Việt Nam

Tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm trên vùng Ayun Hạ (Gia Lai)

Cập nhật: 07/08/2013 10:28:52
Số lần đọc: 2036
Công trình thủy lợi Ayun Hạ có hồ nước rộng trên 37 km² với dòng kênh chính dài trên 47 km, mở ra một cánh đồng ruộng lúa phì nhiêu bao quanh thị trấn Phú Thiện và trải dài xuống tận thị xã Ayun Pa. Vùng đất này ngầm chứa bao truyền thuyết về các vị Pơtao Apui (Vua Lửa) đã dùng thanh gươm thần để cầu mưa khi vào mùa trồng tỉa hoặc đang giữa chu kỳ canh tác mà gặp hạn hán mất mùa.

Du khách tham quan hồ Ayun Hạ

Khu Du lịch sinh thái lòng Hồ Ayun Hạ khởi nguồn cho cánh đồng lúa trù phú Ayun Hạ và cũng là điểm du lịch sông nước có cảnh quan khá đẹp với chân đập vắt ngang hai ngọn núi tạo thành lòng hồ non xanh lồng lộng nằm giữa bạt ngàn rừng nguyên sinh.

Tại chân đập có đội du thuyền của Công ty cổ phần Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai đưa du khách có nhu cầu tham quan lòng hồ lên tận thượng nguồn thăm thú một số điểm, trong đó có một số làng chài của cư dân đồng bằng lên đánh cá. Đến với cư dân làng chài du khách sẽ được cảm nhận những món cá lăng, cá mè, cá trắm cỏ, cá thát lát tươi ngon, đặc biệt du khách có nhu cầu trải nghiệm đánh bắt cá sẽ được cùng ngư dân chèo thuyền độc mộc thả lưới bắt cá lòng hồ.

Quay về chân đập nhìn về phía cánh đồng ruộng lúa Ayun Hạ, du khách sẽ thấy toàn cảnh Plơi Ơi, nơi có ngọn núi Pơtao Yang nhô lên giữa vùng đất bằng phẳng, tròn như chiếc nón úp, phần trên ngọn là vài phiến đá to chồng lên nhau núp dưới tán cây xanh. Cạnh đó những nóc nhà sàn của Plơi Ơi nhấp nhô giữa màu xanh của biển lúa Ayun Hạ. Đến với Plơi Ơi, du khách không chỉ được thưởng thức cảnh đẹp của thiên nhiên mà còn tìm thấy nhiều cái hay cái đẹp trong văn hóa tộc người Jrai.

Đến với làng, du khách sẽ được giới thiệu đến một cái hang ở gần đỉnh do nhiều tảng đá lớn tạo thành, được gọi là “núi 3 hòn”. Đây là nơi xưa kia các Pơtao Apui giấu chiếc “gươm thần” và nhiều báu vật thiêng liêng. Hiện nay, khu vực này đã được Nhà nước quy hoạch mở rộng và đầu tư, tạo dựng một số thiết chế như nhà sàn, kho, sân lễ hội… nhằm bảo tồn di tích về hiện tượng lịch sử-văn hóa Pơtao Apui.

Vào trong làng, du khách có thể vào thăm chính ngôi nhà của Siu Luynh-vị Pơtao cuối cùng và nếu may mắn gặp được những người thân cận trong gia đình, dòng tộc, du khách có thể thỏa mãn trí tò mò về một số bí ẩn xung quanh Pơtao Apui như: về hôn nhân, gia cảnh và cả một số hình ảnh về vài đời Pơtao Apui.

Nếu ở lại qua đêm, du khách sẽ được thưởng thức hương vị của rượu cần, nghe người già hát kể hơri, cùng các chàng trai cô gái Jrai bước vào vòng xoang trong dàn cồng chiêng truyền thống. Nếu du khách có nhu cầu trải nghiệm sẽ được lội ruộng trồng lúa nước với dân hoặc lội dưới dòng kênh mò tìm bắt ốc xoắn làm món ăn dân dã./.

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT