Non nước Việt Nam

Khám phá quần đảo Bà Lụa (Kiên Giang)

Cập nhật: 20/03/2013 09:43:14
Số lần đọc: 2529
Theo các tư liệu, quần đảo Bà Lụa còn có tên là Quần đảo Bình Trị. Quần thể đảo này gồm khoảng 45 đảo lớn, nhỏ ngoài khơi thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, ở vị trí cách mũi Hòn Chông - Bình An, khoảng 7 km về phía Tây, cách Ngã Ba Hòn 15 km về hướng Đông. Quần đảo Bà Lụa còn được ví như “Tiểu Hạ Long” của phương Nam.

Trong số trên 40 đảo của quần đảo Bà Lụa chỉ có 10 đảo là có cư dân sinh sống. Những hòn đảo do dân bản địa đặt tên tuỳ theo hình dạng, cùng với những truyền thuyết, giai thoại như: Hòn Heo, Hòn Dê, Hòn Ngang, Hòn Đước, Hòn Đụn, Ba Hòn Lò, Hòn Nhum Ông, Hòn Nhum Bà, Hòn Rể Lớn, Hòn Rể Nhỏ, Hòn Đồi Mồi, Hòn Dừa, Hòn Ba Vồ, Hòn Thơm.

 
 Tàu thuyền trên khu vực quần đảo Bà Lụa.
Về tên gọi “Bà Lụa” - theo lời kể của cư dân cố cựu tại địa phương - thời Pháp thuộc, vùng Hà Tiên thời ấy có khá nhiều người Pháp đến đây khai thác kinh tế biển, đảo. Bà Lụa là một phụ nữ người Việt gốc Hoa rất đẹp ở Hà Tiên.

“Ông Tây” chồng bà Lụa là người rất có ảnh hưởng với nhà cầm quyền thuộc địa. Mọi giấy tờ, chủ quyền đất đai ở các đảo đều do bà Lụa đứng tên. Từ đó người ta gọi nhóm đảo ấy là quần đảo Bà Lụa.

... Truyền thuyết dân gian kể về cụm đảo Hòn Nhum như sau: Ngày xưa, ở vùng biển này có gia đình ông Nhum sống trên một hòn đảo không có tên.

Một hôm, ông bà Nhum cùng hai chàng rể đi đám cưới trong đất liền, chẳng may lúc trở về, biển nổi sóng to, gió lớn, thuyền đắm, họ bị chết đuối, thi thể mỗi người trôi dạt vào mỗi đảo. Người ta tìm được và sẵn đó đặt thành tên: Hòn Nhum Ông, Hòn Nhum Bà, Hòn Rể Lớn, Hòn Rể Nhỏ cho đến bây giờ.

Biển xung quanh quần đảo Bà Lụa là biển nông, nhiều nơi nước ròng có thể đi được từ đảo này sang đảo khác, nước ngập không quá lưng người lớn. Thuỷ, hải sản ở đây rất phong phú, du khách sẽ được dịp thưởng thức các loài cá ngon, đặc trưng như: cá mú, cá bóp, cá hường... Trên các đảo của quần đảo Bà Lụa có rất nhiều cây thuốc Nam quý hiếm. Ở Hòn Nhum còn có khá nhiều kỳ đà, trăn, rắn, cùng với một số loài chim sống ở rừng và biển, tạo nên sự đa dạng về sinh học. “Lấu lấu” là loài chim lạ, giống như chim hoạ mi, hót vang cả núi rừng khi bình minh ló dạng trên biển...

Muốn ra chơi quần đảo Bà Lụa, du khách phải đến khu du lịch Chùa Hang - Hòn Phụ Tử thuộc xã Bình An (Kiên Lương). Từ đây, ta thuê tàu ra khám phá vùng biển, đảo còn rất hoang sơ này. Mỗi đảo thường có vài mươi hộ dân sinh sống, cá biệt có đảo chỉ có một gia đình.

Du khách chuẩn bị võng, lều bạc, túi ngủ, đèn pin, hộp quẹt, dao xếp, nước suối, thuốc dự phòng cá nhân và ít mì tôm... Thường thì chủ tàu có soong, nồi, gạo, thức ăn đem theo. Nhậu trên bè cá nuôi neo đậu gần bờ cũng rất thú vị.

Thực đơn tươi sống thường có như gỏi cá cơm, canh chua cá bớp, mực trứng nướng, ốc vú nàng tái chanh, cháo hàu...

Khách mua cá của chủ bè rồi cùng chủ nướng tại chỗ lai rai nghe kể chuyện về biển rất hấp dẫn. Trên đảo, bạn có thể “cải thiện” bằng cách như  đi cạy hàu, mò bắt ốc cờ, ốc vá ở những gành đá. Hoặc bạn cũng có thể tìm mua cá, tôm cua, ốc của người dân trên đảo luôn sẵn có. Dừa có trồng khá nhiều trên triền các đảo, nước ngọt lịm, thanh thao, mát lành.

 
 Biển ở quần đảo Bà Lụa.
Bữa ăn chiều trên đảo rất ấn tượng, bên bếp lửa than hồng, nghe sóng biển vỗ ầm ì, tung bọt trắng xoá vào những ghềnh đá, du khách có cảm tưởng mình như là Robinson sống giữa mênh mông biển cả hoang vu đầy lãng mạn.

Khi đêm xuống trên biển Bà Lụa, bạn có thể ngồi dưới bóng những cây bàng lá đỏ hay bên một gành đá cheo leo nào đó ngắm trăng sao với những tàu ghe câu mực, đèn đuốc lung linh như một thành phố nổi. Du khách sẽ thấy nhẹ nhàng, thanh thản, quên đi những bận bịu, lo toan đời thường.      

Trong hành trình vượt biển trở về, chúng tôi vô cùng thích thú khi may mắn tận mắt nhìn thấy bầy cá heo còn gọi là “Ông Nược”, bơi đua, đùa giỡn, nhào lộn theo tàu. Cá heo và cá cúi (Durgon) vẫn còn và thường xuất hiện ở vùng biển Bà Lụa - Hòn Nghệ - Phú Quốc. Chúng có vẻ thân thiện với con người.

Bình minh và hoàng hôn và trên quần đảo Bà Lụa là những thời khắc đẹp nhất của thiên nhiên. Bạn sẽ thấy mặt trời mọc và lặn xuống biển với ráng hồng tuyệt đẹp. Hàng trăm tàu đánh cá neo đậu ở các vịnh đảo núp gió, nghỉ ngơi khi chiều về, cũng có những chiếc đang lênh đênh giữa mênh mông biển trời.

Gió ngàn khơi có khi lồng lộng, có khi liu riu thổi về như mời gọi du khách khám phá sự bí ẩn muôn đời của biển, đảo. Buổi sáng hôm sau, khi lên tàu về đất liền, bạn sẽ thấy nhiều lưu luyến bởi non nước hữu tình cùng với sự mến khách của bà con xứ đảo...

Bài và ảnh: Đặng Hoàng Thám
Nguồn: Báo Cà Mau

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT