Non nước Việt Nam

Đà Nẵng có 3 bảo vật quốc gia

Cập nhật: 23/02/2013 10:09:09
Số lần đọc: 2562
Trong tổng số 30 bảo vật quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận, Đà Nẵng đã sở hữu 3 hiện vật là tượng Bồ tát Tara, đài thờ Mỹ Sơn E1 và đài thờ Trà Kiệu.

Cả 3 hiện vật này đều thuộc về nền văn hóa Chămpa và đang được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - cho biết: “Đa số các báu vật này được lưu giữ từ thời Pháp, khi người Pháp tiến hành khai quật khảo cổ tại các di chỉ kiến trúc Chăm xưa và trong quá trình đó, những hiện vật này được đưa về, lưu giữ, bảo tồn và trưng bày tại Bảo tàng Chăm cho đến nay. Việc phát hiện và bảo tồn các cổ vật này cho đến ngày hôm nay cũng có thể xem đó chính là duyên cơ”.

1. Tượng Bồ tát Tara là tượng đồng lớn nhất trong phong cách điêu khắc Chămpa được tìm thấy được từ trước đến nay. Tượng sử dụng kỹ thuật đúc đồng và chạm trổ điêu khắc mang nét đặc trưng, tiêu biểu cho phong cách Đồng Dương. Phong cách tồn tại từ thế kỷ IX, mang nhiều nét bản địa Chămpa nhất. Theo các chuyên gia, đây là bức tượng đồng hoàn mỹ nhất, đẹp nhất và có kỹ thuật đúc đồng cao cùng kỹ thuật chạm khắc tinh xảo; chính vì vậy, mặc dù đã hơn 1.000 năm, tượng đồng vẫn không có dấu hiệu ôxy hóa; tiêu biểu cho giai đoạn đầu phong cách Đồng Dương và kỹ thuật đúc đồng.
 

Tượng Bồ tát Tara

Tượng Bồ tát Tara thể hiện một thân hình phụ nữ đẹp với cổ cao ba ngấn; bộ ngực tròn đầy với đôi vú hình bán cầu và gần nhau; bụng hơi phệ và cách vùng lồng ngực bởi một nếp nhăn đẹp và sâu; mông nở, vai rộng, đôi tay trần khoẻ mạnh cùng đưa đôi bàn tay xòe to đang cầm một vật gì đó bằng ngón cái và ngón trỏ một cách cân xứng và duyên dáng.

Điểm độc đáo của tượng Bồ tát Tara là chiếc váy quấn (ngôn ngữ Chăm gọi là sarong). Chiếc váy quấn có những đường nếp dọc, bó sát mình và buông dài đến mắt cá chân. Chạy dọc chính giữa sarong bên trong là các nếp xếp chạy dọc theo thân sarong. Ngoài chiếc sarong bên trong, tượng Tara còn mặc thêm bên ngoài một chiếc sarong nữa. Chiếc sarong bên ngoài được vận rất khéo: Sau khi đã choàng và ôm sát lấy hai chân ở phía sau, hai mép dưới được kéo chéo lên để vấn vào thành một dạng cạp váy trước bụng; trong khi các tượng khác cùng phong cách thì thân giữa dài của sarong được vắt ra ngoài.

2. Đài thờ Mỹ Sơn E1 là đài thờ có niên đại sớm nhất (thế kỷ VII-VIII) còn lại nguyên vẹn nhất từ trước đến nay.
 

Đài thờ Mỹ Sơn E1

Điều độc đáo của đài thờ Mỹ Sơn E1 là trang trí chạm khắc tinh xảo xung quanh chân đài thờ. các hình ảnh tái diễn sống động về cuộc sống sinh hoạt, các hoạt động trong rừng, chơi nhạc… cho đến nghi thức tế lễ tín ngưỡng của các tu sĩ Ấn Độ giáo ẩn dật, tu tập và hành đạo cách đây 1.300-1.400 năm. Đặc biệt, đài thờ đã phản ánh được mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ và Chămpa trong giai đoạn đầu.

Bố cục và điêu khắc trên đài thờ mang tính biểu tượng. Các trang trí trên đài thờ mô phỏng các trang trí kiến trúc của một ngôi tháp. Mặt trước có bậc cấp, có chạm khắc hình các vòm cửa và trụ cửa thu nhỏ. Ba mặt còn lại, mỗi mặt có 1 vòm cửa như cửa giả của tháp. Ngoài ra còn có trang trí theo môtíp các trụ áp tường. Bản thân một ngôi tháp Chăm Hindu giáo lại tượng trưng cho một ngọn núi, đỉnh núi là nơi ngự trị của thần linh; vị thần cao nhất ở đây là thần Siva, với biểu tượng linga đặt ở giữa đài thờ. 

3. Đài thờ Trà Kiệu là bước chuyển tiếp của phong cách điêu khắc Chămpa trong giai đoạn thế kỷ VII-X. Đây là đài thờ duy nhất, đặc trưng cho phong cách điêu khắc Trà Kiệu. Đài thờ là một câu chuyện thần thoại kể về đám cưới của Hoàng tử Rama và Công chúa Sita trong trường ca Ramayana huyền thoại. Với hình tượng yoni và linga phía bên trên, đài thờ Trà Kiệu là một đài thờ Chămpa duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn với phần bệ vuông ở dưới và bệ yoni tròn ở trên. Cấu tạo của của bệ yoni với hai thớt tròn đối xứng qua hai lớp cánh sen và một chiếc linga ba tầng đặt trong lòng là một cấu tạo tiêu biểu của tổ hợp yoni-linga trong văn hóa cổ Ấn Độ.
 

Đài thờ Trà Kiệu

Đây cũng là một bệ thờ tiêu biểu cho loại bệ thờ Chămpa có phần chạm khắc nhiều nhân vật theo lối kể chuyện với một bố cục hoàn chỉnh và giàu tính nghệ thuật. Các đường nét điêu khắc hết sức tinh tế, sống động và phong phú, đủ để khái quát thành các tiêu chí nền tảng của một phong cách nghệ thuật (búi tóc, dáng điệu, trang sức, y phục, hoa văn, bố cục), tiêu biểu cho một bước phát triển trong nghệ thuật Chămpa./.

Nguồn: LĐO - Báo Đà Nẵng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT