Vài nét về đời sống văn hóa dân tộc Mông ở Điện Biên
Hội thi giã bánh dày của người Mông. (Ảnh: QK) |
Người Mông sống quần tụ từng bản từ khoảng 10 đến 50 hộ. Vượt khó, trọng sự thật, điềm tĩnh, đoàn kết và khẳng khái là những đặc điểm nổi trội trong tính cách của đồng bào Mông. Ngôn ngữ dân tộc Mông nằm trong nhóm ngôn ngữ Mông - Dao thuộc ngữ hệ Nam Á. Cùng với tiếng nói, trong những năm gần đây, chữ viết đã phục hồi trở lại. Trồng lanh dệt vải, thêu thổ cẩm, làm giấy bản, đồ trang sức bằng bạc, cùng với nghề thủ công rèn đúc các sản phẩm như lưỡi cày, dao, cuốc, xẻng, nòng súng... của người Mông đạt đến trình độ kỹ thuật cao. Trong các loại động vật thì ngựa là con vật gần gũi, thân thiết với từng gia đình người Mông. Ngựa được nuôi để thồ ngô, lúa, củi và để cưỡi đi chợ. Chợ phiên của người Mông là nơi trao đổi hàng hoá, giao lưu tình cảm. Nhiều đôi nam thanh nữ tú nên duyên chồng vợ từ phiên chợ vùng cao.
Với người Mông, dòng họ có vị trí quan trọng. Theo quan niệm của họ, người cùng dòng họ là người anh em có cùng tổ tiên, có thể đẻ hoặc chết trong nhà nhau. Có một quy định từ bao đời là: người cùng họ không được lấy nhau. Trong cùng họ phải luôn luôn giúp đỡ, cưu mang lẫn nhau khi vui, khi buồn. Từng dòng họ cư trú quây quần thành một cụm. Trưởng họ đảm nhiệm công việc chung, là người có uy tín, được dòng họ tôn trọng, tin và làm theo.
Tết của người Mông xưa kia gần trùng với tết dương lịch. Ngày nay, do cuộc sống xen kẽ với nhiều dân tộc khác, phần lớn đồng bào đã ăn tết âm lịch (Tết Nguyên đán). Ngày tết là dịp để mọi người làm trọn nghĩa vụ với dòng tộc, gia đình, tổ tiên.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Mông, tùy từng dòng họ, trong nhà có hoặc không có bàn thờ… Bàn thờ đặt ở vách gian chính giữa, thường gồm 3 ống tre để cắm hương (ống giữa thờ tổ tiên, ống bên phải thờ thần trông coi việc gia đình, ống bên trái thờ thần chăm sóc sức khỏe trong gia đình). Phía trên bàn thờ có dán giấy bản lên vách – thờ 3 đời thì dán 3 hàng, 5 đời thì dán 5 hàng. Người Mông không thờ cúng thổ công trong nhà mà đem muôi cơm, chén rượu ra ngoài cửa chính cúng rồi vẩy cơm tưới rượu lên đó – nghĩa là thổ công, thổ địa được thờ ở bên ngoài nhà.
Trang phục của người phụ nữ Mông rất sặc sỡ, đa dạng, gồm: váy, áo xẻ ngực có yếm lưng, tấm xiêm che trước bụng, thắt lưng, khăn quấn đầu, xà cạp quấn hai bắp chân. Váy xếp nếp xòe rộng, mang hình ống, khi mặc mới xếp nếp thắt lưng ngoài cạp. Áo mở chếch ngực về phía bên trái, cài một khuy, cánh tay, cổ áo, gấu áo đều thêu hoa văn…Đồ trang sức gồm: vòng tai, vòng cổ, vòng tay, vòng chân….Trang phục của đàn ông Mông đơn giản, quần dài, áo ngắn ống rộng cổ đứng mổ bụng khuy cài, quần áo đều màu chàm, hoặc bằng vải láng đen.
Dân tộc Mông có đời sống văn nghệ phong phú, đặc biệt là văn học truyền miệng có rất nhiều thể loại: truyện thần thoại về anh hùng văn hóa tìm ra loại giống và dạy người Mông cách trồng ngô, lúa, trồng lanh làm vải mặc; truyện cổ tích về các con vật. Người Mông say đắm dân ca dân tộc mình, thường hát khi lao động nương rẫy, trong lúc se sợi dệt vải hay đi chợ, đi vui xuân ngày tết. Các nhạc cụ của người Mông có sáo, khèn, kèn lá, đàn môi… Thanh niên chơi khèn, vừa thổi vừa múa. Kèn lá, đàn môi là phương tiện để nam thanh nữ tú trao gửi tâm tình.
Đám cưới của người Mông thường được tổ chức vào ngày lành tháng tốt, phổ biến vào mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở. Người Mông rất kiêng cưới vào những tháng có sấm sét.
Khi chàng trai thích một cô gái, chàng trai sẽ về thưa chuyện với bố mẹ. Nhà trai sẽ nhờ một ông mối (thường là những người có uy tín trong dòng họ) để sang nhà gái làm lễ hỏi. Lễ ăn hỏi thường có: một chai rượu, một con gà trống và chỉ màu… Khi đi làm lễ hỏi, ông mối mang theo một chiếc ô. Đến trước cửa nhà gái, ông mối sẽ hát một bài. Nội dung bài hát đến hỏi con gái của gia đình về làm dâu con trong nhà, đề nghị gia đình mở cửa. Sau khi nhà gái mở cửa thì ông mối cầm chiếc ô treo lên trước cửa chính của ngôi nhà. Sau khi ông mối thưa chuyện với gia đình cô gái thì dù có đồng ý hay không đồng ý, phía gia đình cô gái cũng phải giữ nhà trai ở lại 2 - 3 ngày mới cho về. Nếu nhà cô gái chưa đồng ý, gia đình nhà trai sẽ phải tiếp tục thuyết phục đến khi nào nhà gái đồng ý mới thôi. Khi nhà gái đồng ý thì họ sẽ lấy một chiếc ghế dài để hướng ra cửa và đặt trên đó 4 chén rượu, một chiếc ô và mời nhà trai uống hết 4 chén rượu.
|
Ngày hội vui của đồng bào Mông. (Ảnh:QK) |
Nhà trai uống xong thì rót lại 4 chén rượu và mời họ nhà gái. Khi nhà gái uống hết rượu trong chén, ông mối của nhà trai sẽ xoay ngang chiếc ghế lại để khẳng định là nhà gái đã gả con gái. Người con trai phải vái lạy tổ tiên, bố mẹ và anh em trong gia đình cô gái và như thế chàng trai đã coi cô gái là vợ của mình. Hai bên sẽ tiếp tục uống rượu, trong bữa rượu hôm đó họ sẽ cùng nhau chọn ngày lành, tháng tốt để tổ chức lễ cưới và dự tính đồ thách cưới. Sau khi đã thống nhất xong, nhà trai trở về nhưng hôm đó chưa được đưa con dâu về nhà mình ngay.
Ngày đón dâu, chú rể mặc bộ quần áo mới nhất và đẹp nhất. Gia đình chú rể nhờ ông mối là đại diện (đoàn đón dâu thường đi với số lẻ). Bố mẹ chồng không được đi đón con dâu. Trong ngày đón dâu, nhà trai sẽ phải mang đầy đủ lễ vật mà gia đình nhà gái đã thách cưới.
Theo phong tục của đồng bào Mông, khi đưa cô dâu về nhà chồng, dù gần hay xa đều phải tổ chức ăn một bữa cơm ở dọc đường. Họ cho rằng bữa cơm đó là để báo với các vị thần linh là nhà trai đã được đón con gái người ta về làm dâu con trong nhà, mời các vị thần linh chứng kiến, phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ làm ăn, phát tài, sinh được con cháu. Khi đoàn đón dâu về tới nhà, cả đoàn sẽ đứng trước cửa nhà để gia đình nhà trai làm lễ nhập ma cho cô dâu, làm thủ tục báo cáo với tổ tiên, thần linh. Gia đình nhà trai mời thầy cúng đến làm lễ cho đôi trai gái chính thức thành vợ chồng.
Cùng với đồng bào dân tộc Mông cả nước, thực hiện nếp sống mới, hiện nay, các chàng trai cô gái Mông ở Điện Biên tìm hiểu, xây dựng gia đình trên cơ sở của tình yêu và Luật hôn nhân và gia đình. Những phong tục trong đám cưới của người Mông vẫn được lưu giữ, song đã được thực hiện một cách đơn giản, tiết kiệm hơn, việc thách cưới bạc trắng đã giảm hẳn. Từ đó, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới tại thôn, bản vùng./.