Đặc sắc đội trống nữ làng Đọi Tam, Hà Nam
Ban đầu, đội trống nữ được thành lập với mục đích phục vụ cho các lễ hội truyền thống của làng, nhưng từ mong muốn góp phần quảng bá hình ảnh và văn hóa làng nghề truyền thống, đội trống nữ của làng Đọi Tam đã không quản ngại khó khăn, mang trống đi phục vụ cho nhiều lễ hội trong khu vực, tạo nên một nét đặc sắc riêng.
Ông Đinh Văn Lương, người đã có 12 năm giữ cương vị trưởng thôn Đọi Tam cho biết, vào đầu những năm 2000, các cụ cao niên trong làng và bản thân ông luôn trăn trở, mong muốn mang hình ảnh chiếc trống làng Đọi đến với người dân mọi miền một cách gần gũi hơn nữa. Ông Lương mạnh dạn xin ý kiến người dân trong thôn Đọi Tam thành lập một đội trống của làng, trước mắt là để phục vụ các lễ hội lớn của địa phương, sau là mang trống đi đánh ở các vùng lân cận.
Đây là cách nhanh nhất để đưa tiếng trống làng Đọi đến với người dân mọi miền. Ý kiến đưa ra được người dân trong thôn hưởng ứng rất nhiệt tình, chính quyền cơ sở tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Ngay sau khi thông qua hội nghị dân chủ nhân dân, ông Lương và các cán bộ trong thôn tích cực bắt tay ngay vào việc. Ban đầu, thôn có ý định thành lập đội trống gồm 120 người, nhưng với số lượng thành viên như vậy đòi hỏi sự tổ chức chuyên nghiệp và kinh nghiệm. Bàn đi tính lại, con số này được rút xuống còn 60 người, tuy nhiên khi đưa ra ý tưởng thì mọi người hào hứng, nhưng đến khi vận động người dân vào đội thì thật sự là công việc khó khăn. Ông Lương cho biết, toàn thôn có 656 hộ với trên 2.400 nhân khẩu thì có tới 80% số hộ theo nghề làm trống, nên người dân rất đắn đo giữa công việc hàng ngày và việc bỏ thời gian ra tham gia đội trống.
Nhờ sự động viên kịp thời của Đảng ủy, chính quyền địa phương, cộng với sự nhiệt tình của trưởng thôn cũng như các cán bộ đoàn thể, thôn đã tập hợp đủ 60 người tham gia đội trống; trong đó có 48 phụ nữ đứng trong đội hình đánh trống, còn lại là nam giới đảm nhiệm việc đánh đồ đồng, đồ gỗ, thanh la... Thời kỳ đầu thành lập đội, các hoạt động còn chưa vào nề nếp, thiếu chuyên nghiệp; bên cạnh đó, vấn đề kinh phí ban đầu để trang bị trống, trang phục, kinh phí đi lại, bồi dưỡng cho thành viên trong đội luôn là câu hỏi lớn đối với những người đứng ra thành lập.
Nhưng, được sự hỗ trợ của người dân trong thôn, cũng như của con em người dân Đọi Tam đi làm ăn xa, ngay trong năm 2004, đội trống đã được trang bị đầy đủ bao gồm 1 trống sấm có đường kính 1,5 m, 2 trống đường kính 1,2 m và 45 chiếc trống các loại từ trống giả đồng đến trống cầm tay với tổng trị giá trên 100 triệu đồng. Bài trống đầu tiên người dân làng Đọi được nghe những thành viên trong làng biểu diễn là bài trống Khai hội, trong lễ hội của làng tổ chức vào tháng Giêng.
Tại Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn năm 2013 mới được tổ chức trên chính quê hương Đọi Tam, có dịp trò chuyện với chị Lê Thị Thúy Thường, 50 tuổi, thành viên lớn tuổi nhất đội trống, chúng tôi mới cảm nhận được hết những nhiệt huyết và sự đam mê trống của người dân Đọi Tam. Chị Thường là một trong những thành viên đầu tiên của đội, đến nay đã tham gia được gần chục năm, mỗi năm đi biểu diễn tại hàng chục địa điểm ở nhiều địa phương khác nhau như: Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Phòng... nhưng chị chưa bỏ lỡ một buổi nào. Hiện, chị Thường đảm nhiệm công việc phụ trách thú y xã, chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn và chăm bón cho 1,5 mẫu ruộng, công việc bộn bề nhưng chị luôn dành thời gian cho công việc của đội trống, nhất là những dịp chuẩn bị đi biểu diễn ở tỉnh xa.
Chị Thường cho biết, dường như những điệu trống đã ngấm vào máu rồi, không thể quên được. Trước đây để tập 1 bài phải mất cả tuần lễ, nhưng nay thì không cần tập nữa, có dịp biểu diễn là đánh được luôn, không ai sai một nhịp nào. Hiện tại, đội trống nữ của làng Đọi Tam đã đánh thuần thục được 6 bài trống, có thể biến tấu đa dạng để phục vụ cho nhiều lễ hội, sự kiện khác nhau như: khai hội, bài đệm, kết hội... Chị Thường tâm sự, công việc này tuy vất vả nhưng các chị em trong đội đều nhiệt tình, hăng hái tham gia vì ý thức được đây cũng là một cách mang hình ảnh trống Đọi Tam đến với nhiều vùng, miền, góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa làng nghề.
Khi được hỏi tại sao lực lượng chủ lực của đội trống đều là nữ giới, ông Lương cho biết: Do xuất phát từ thực tế thanh niên nam trong làng phần lớn phải dành nhiều thời gian cho việc sản xuất trống hoặc đi làm xa, do vậy để huy động các anh em tham gia đội trống rất khó. Nhưng việc thành lập được đội trống nữ cũng là nét đặc sắc riêng- ông Lương dí dỏm nói.
Tuy vậy, để duy trì hoạt động của đội trống và tổ chức cho đội đi đánh ở nơi xa đòi hỏi người đứng đầu phải luôn nhiệt tình, năng nổ, cộng với sự tham gia tích cực của các thành viên cốt cán trong đội. Ông nói thêm, hiện đội có 48 thành viên nữ đều ở độ tuổi từ 30 đến 50, là độ tuổi lao động hiệu quả nhất, việc họ bỏ ra thời gian, công sức để tham gia đội là một điều rất đáng coi trọng. Cũng như chị Thường và ông Lương, mọi người dân trong làng, nhất là những thành viên trong đội trống luôn mong muốn duy trì hoạt động của đội trống, bởi đây chính là một hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn văn hóa làng nghề truyền thống./.