Dẻo thơm bánh củ cải Bạc Liêu
Ngay khi có nhiều tôn giáo lớn cùng hiện diện, giữa các dân tộc vẫn luôn giữ được tinh thần bao dung về mặt tín ngưỡng. Trên lĩnh vực ngôn ngữ, trong quá trình giao lưu, tiếng Việt đã dần dần trở thành tiếng nói chung bên cạnh hiện tượng song ngữ hay đa ngữ vẫn được coi là bình thường, còn hiện diện rải rác ở một số vùng cộng cư Việt - Khmer - Chăm, Việt - Hoa. Trong sinh hoạt vật chất cũng vậy. Chiếc phảng, chiếc nóp, cà ràng của người Khmer đã được cải tiến trở thành thân thiết với người Việt đồng bằng. Chiếc áo bà ba của người Việt cũng thành quen thuộc với nhiều dân tộc. Ngôi nhà sàn là kiểu cư trú truyền thống của người Khmer nhưng người Việt, người Chăm cũng sử dụng.
Nhiều món ăn vốn gốc từ một dân tộc, nhưng sau này đã được phổ biến rộng rãi, nền ẩm thực Bạc Liêu sau khi giao lưu văn hóa ẩm thực của cộng đồng các dân tộc anh em cùng sinh sống đã sản sinh ra nhiều loại mắm khô: như mắm cá sặc, mắm bò hóc, mắm ba khía…, và rất đặc biệt với những món ăn dân dã, đặc thù của một thời đi mở cõi, hiện nay đã trở thành đặc sản như: chuột đồng khìa nước dừa, rắn hổ đất nấu cháo đậu xanh, đuông dừa, đuông đất hoặc đuông chà là, vọp chong, cá lóc nướng trui v.v..
Cộng đồng người Hoa có những nét văn hóa đặc sắc đã góp phần làm phong phú nét văn hóa chung của cộng đồng dân tộc ở Bạc Liêu. Ẩm thực của người Hoa ở Bạc Liêu với các món ăn độc đáo được gắn liền với truyền thống, tục thờ cúng đó là bánh củ cải Tiều - loại bánh cúng đặc trưng của người Hoa ở Bạc Liêu. Bánh củ cải tiều có mặt trong gia đình của người Hoa vào ngày 24 tháng Chạp âm lịch và họ thường làm món bánh củ cải tiều để cúng tổ tiên mỗi dịp giỗ chạp hay Tết đến.
Cách làm loại bánh này khá công phu vì nguyên liệu phải được chuẩn bị từ đêm trước, đó là đậu phộng phải được ngâm mềm để qua đêm, hôm sau đãi vỏ. Còn tôm khô thì ngâm cho bớt mặn và tẩy bớt bụi bặm. Củ cải được rửa sạch, bào thành sợi từ cái bàn bào làm bằng thiếc đục nhiều lỗ nhỏ. Cái bàn nạo giơ những chiếc răng sáng bóng những dầu, rửa sơ, ai đó ngồi nạo trái dừa khô rồi vắt lấy nước dão. Rau cần tàu xắt khúc cỡ 2 đốt tay. Trộn tất cả các thứ cùng bột gạo (phải là gạo cũ, khô cơm), dằn chút muối, đường. Sau đó bắc chảo lên bếp xào cho đến khi bánh quến dẻo, nặng tay thì nhấc xuống, sớt qua mấy cái xửng nhỏ mặt trong thoa lớp dầu (để bánh không dính khi chín). Trang mặt bánh, rắc đều tôm khô và cần tàu xắt khúc (đã chừa lại một ít) rồi đem hấp. Thử không dính đũa là bánh chín, tỏa mùi thơm sảng khoái của rau cần tàu. Bánh có thể ăn ngay nhưng không ngon vì còn mềm, nhão.
Trưa hôm sau (sau khi cúng xong), bánh khô, dẻo được cắt từng miếng hình thoi cho vào dĩa bày cúng đưa ông Táo về Trời (người Tiều cúng ngày 24 tháng Chạp âm lịch chứ không phải ngày 23 như người Việt). Cầm dĩa bánh trên tay, nhìn những hột đậu phộng trắng ngà, những con tôm khô đỏ đậm, mấy cọng cần tàu xanh sẫm nổi đều các mặt bánh, nghe bụng dạ cồn cào. Dùng đũa gắp một miếng bánh củ cải chấm vào chén nước tương cay chua ngọt cho vào miệng nhai chậm rãi. Mùi thơm của củ cải, tôm khô hòa quyện với vị ngọt của bột bánh, vị béo của thịt, vị cay của ớt... tạo thành một hương vị khó quên. Xắn một muỗng bánh, cho vào miệng, nhai. Mùi thơm ấn tượng của cần tàu, vị ngọt đượm đầu lưỡi của bột gạo và đường cát trắng, vị hăng hăng đặc trưng của củ cải lẫn trong vị mằn mặn của muối, ngòn ngọt của đường và mùi ngọt mặn của tôm khô xông lên khứu giác. Nhai nhằm hột đậu phộng mềm mụp cứ tưởng đang thưởng thức hột sen tàu. Nổi bật nhất là vị béo của nước cốt dừa, có lẽ ảnh hưởng văn hóa ẩm thực của người Đồng bằng sông Cửu Long.
Người Hoa vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa riêng trong nghi thức truyền thống thờ cúng tổ tiên. Trãi qua quá trình cộng cư lâu dài, bánh củ cải tiều đã trở thành một món ăn quen thuộc của người dân Bạc Liêu và du khách phương xa khi đến vùng đất giàu văn hóa, truyền thống lịch sử với nhiều nét độc đáo về ẩm thực. Mỗi dân tộc có một nét, khẩu vị đặc trưng nhưng khi hòa quyện lại tạo thành dấu ấn khó phai, điều đó góp phần làm ẩm thực Bạc Liêu phong phú nhiều chủng loại, đa dạng trong cách chế biến món ăn, có hương vị đặc trưng hơn và biểu thị tính cộng đồng gắn bó của người Bạc Liêu./.